Bổ sung, quy định cụ thể quyền hạn cho lực lượng Cảnh sát cơ động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo cơ quan soạn thảo, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực Cảnh sát cơ động mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới, đặt ra yêu cầu cần xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động của lực lượng này.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có một số quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động trên cơ sở 4 chính sách đã xác định và đánh giá tác động được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua.
Đó là quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động thành 2 để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà Cảnh sát cơ động đang thực hiện.
Cụ thể, bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động.
Đồng thời, bổ sung quyền được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan.
Dự luật cũng quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động. Luật Công an nhân dân có quy định Công an nhân dân được áp dụng 7 biện pháp công tác để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng dẫm về mặt nội dung của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động xây dựng theo hướng quy định Cảnh sát cơ động phải kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quy định rõ hơn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với Cảnh sát cơ động, đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại