Thứ sáu 08/11/2024 14:30
Từ chối đăng kiểm với lý do vi phạm Luật giao thông

Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam đang làm ngược?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua hàng nghìn ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối với lý do chưa đóng tiền phạt nguội vi phạm giao thông theo danh sách từ Cục Cảnh sát giao thông (C67 - Bộ Công an) gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), việc Cục Đăng kiểm áp dụng các quy định từ chối đăng kiểm với chủ phương tiện chưa được chặt chẽ, rõ ràng về mặt pháp lý.

Trình tự và quy định liên quan đến phạt nguội qua hệ thống giám sát chưa được ban hành Trao đổi với báo chí, đại diện Cục CSGT (C67 – Bộ Công an) đưa ra hai lý do chính để khẳng định quyết định phạt nguội thông qua cơ quan đăng kiểm của mình là có căn cứ. Đó là Thông tư 70/2015/TT-BGTVT và Nghị định 46/2016/NĐCP.

Theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Còn Nghị định 46/2016/NĐCP của Chính phủ cũng quy định, trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

bo gtvt va cuc dang kiem viet nam dang lam nguoc
ẢNH MINH HỌA

GĐ một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội chia sẻ, chức năng chính của cơ quan đăng kiểm là kiểm tra xem phương tiện tham gia giao thông đến làm thủ tục đăng kiểm có hội tụ đủ các điều kiện an toàn để được lăn bánh ra đường hay không.

Còn chức năng phát hiện lỗi và xử phạt về giao thông phải thuộc trách nhiệm của CSGT. Việc cơ quan đăng kiểm phải làm thay chức năng của CSGT trong việc thông báo lỗi vi phạm có phần bất tiện.

Thời gian đầu, do chưa có phần mềm tra cứu vi phạm giao thông trên trang điện từ của Cục ĐKVN nên đã xảy ra nhiều phiền toái cho cả trung tâm đăng kiểm lẫn lái xe. Hãy hình dung vào đầu giờ sáng, lái xe sau một thời gian dài xếp hàng mới vào được bên trong trung tâm để làm các thủ tục.

Nhưng sau khi tra danh sách lái xe mới biết mình đang mắc lỗi bị phạt nguội. Vậy là phải đánh xe ra, từ đó làm mất nhiều thời gian cho cả hai bên. Không ít lái xe than phiền, nếu được cơ quan CSGT thông báo sớm về nhà thì việc gì họ phải chạy tới đây cho mất thời gian.

Thông tin tới báo chí, Cục CSGT cho biết, sau khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ trích xuất hình ảnh phương tiện vi phạm đã được camera ghi lại, truy biển số xe để tìm ra địa chỉ người đăng ký chủ phương tiện.

Sau đó, CSGT sẽ gửi thông báo vi phạm có hình ảnh phương tiện vi phạm trực tiếp đến CA phường, xã nơi chủ phương tiện cư trú để CA phường, xã thông báo, mời chủ phương tiện tới CQCA làm việc hoặc CSGT sẽ gửi thông báo vi phạm và giấy mời lên giải quyết vi phạm qua đường bưu điện 3 lần về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện.

Khi có xác nhận đã có người nhận được thông báo vi phạm mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác chấp hành quyết định xử phạt thì CSGT gửi thông báo sang cơ quan đăng kiểm để tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác. Đại diện CSGT cho biết, hiện chưa có quy định về thời hạn CSGT phải gửi thông báo sau khi phát hiện vi phạm.

Mới đây, trong cuộc họp báo, trả lời báo chí xung quanh việc cơ quan đăng kiểm từ chối các chủ xe có tên trong danh sách vi phạm luật giao thông, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết: “Qua rà soát chúng tôi thấy, trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp vướng mắc. Điển hình như việc thông báo để yêu cầu trực tiếp người vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, hay việc thông qua chứng cứ thu thập từ hệ thống giám sát đó xác định cụ thể đối tượng vi phạm đã đặt ra nhiều thách thức với cơ quan có thẩm quyền”.

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có kiểm tra, báo cáo bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bước đầu khoản 6 Điều 4 Thông tư 70 cho thấy quy định chưa được chặt chẽ”.

Lái xe bị từ chối đăng kiểm có căn cứ khởi kiện Cục ĐKVN

Theo luật sư Lại Vi Phát - Đoàn luật sư TP Hà Nội: “Tác dụng cao nhất của xử phạt chính là răn đe và giáo dục, tuyên truyền về pháp luật để lái xe có ý thức khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, thời gian qua tôi thấy phía CSGT có phần cứng nhắc trong xử phạt, nghĩa là trích xuất lỗi từ camera sau đó làm danh sách thống kê. Câu chuyện một xe ô tô tại TP HCM là ví dụ điển hình.

Trong vòng 1 năm, từ 7-9-2016 đến 6-9-2017, xe này mắc vi phạm tới 43 lần cho cùng một lỗi “Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định...”, địa điểm vi phạm đều xảy ra khi lưu thông qua đường hầm Thủ Thiêm.

Với hàng chục lần vi phạm này, nếu quy ra mức phạt có thể lên đến hơn 100 triệu đồng. Nếu các thông báo được gửi kịp thời đến lái xe, tôi tin chắc rằng chẳng ai lại dại dột cố tình lặp lại vi phạm như trên.

Cục ĐKVN, Bộ GTVT đã từ chối đăng kiểm cho hàng ngàn phương tiện giao thông với lý do các phương tiện ấy bị phạt nguội qua camera của lực lượng CSGT. Đây là một trong những dạng áp dụng pháp luật không đúng của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Rõ ràng Điều 4 Thông tư 70/2015 không quy định về nội dung này, mà chỉ quy định những điều kiện về an toàn kĩ thuật, tiêu chuẩn môi trường của xe cơ giới và phương tiện đăng kiểm, trong khi các lỗi phạt nguội là nhằm xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ.

Các đề nghị và cảnh báo của cơ quan chức năng ở đây được hiểu là các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, chứ không phải là vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ở đây đang có một trình tự ngược là các quy định chặt chẽ chưa có nhưng việc áp dụng từ chối đăng kiểm đã được tiến hành.

Đa số các quan hệ pháp luật đều có các dạng chế tài, trong đó hành vi vi phạm pháp luật ở quan hệ nào thì sẽ tương ứng với chế tài đó.

Tuy nhiên ở hành vi không đăng kiểm cho các phương tiện bị phạt nêu trên, thì Cục ĐKVN và các trạm đăng kiểm đang áp dụng sai pháp luật, trừ khi có nguồn pháp luật là các văn bản quy phạm như Nghị định của Chính phủ hoặc thông tư liên tịch của các Bộ, ngành thì mới có thể thực hiện được vấn đề này.

Trong trường hợp Cục ĐKVN vẫn tiếp tục từ chối đăng kiểm cho các phương tiện giao thông gây thiệt hại cho các chủ phương tiện, các chủ phương tiện hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để buộc Cục ĐKVN đền bù thiệt hại và thực hiện đăng kiểm cho các phương tiện giao thông.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng camera phạt nguội, vì đây là một trong những biện pháp duy trì trật tự an toàn giao thông. Bộ GTVT, Bộ Công an và nhất là Bộ Tư pháp cần vào cuộc đưa ra quan điểm về hình thức xử phạt qua camera, nhất là việc từ chối không cho chủ xe đăng kiểm vì bị phạt nguội từ phía Cục ĐKVN”.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động