Thứ hai 25/11/2024 13:54

Biến thể Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở các nước trên thế giới gia tăng nhanh chóng. Riêng tại Ấn Độ (nơi đầu tiên ghi nhận biến thể này) thì đến ngày 14-8 đã có tổng số 32,2 triệu ca nhiễm với 431 nghìn ca tử vong. Biến chủng Delta được sự báo sẽ thống trị thế giới sau vài tháng nữa.

Từ quốc gia đầu tiên là Ấn độ, đến ngày 21-7 biến chủng Delta giờ đã lan ra thêm 13 quốc gia, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng lên 124 (theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới-WHO). Và tổ chức này dự báo biến thể Delta nhanh chóng lấn át các biến chủng khác và trở nên thống trị sau vài tháng nữa. Theo trình tự gen được gửi đến sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID trong 4 tuần tính đến ngày 20-7, sự phổ biến của biến chủng Delta đã vượt 75% ở nhiều quốc gia.

Bằng chứng rõ nhất về tốc độ gia tăng nhanh chóng của biến thể Delta là số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đến 18g ngày 15-8 đã chạm mốc gần 208 triệu người, trong đó có trên 4,3 triệu trường hợp tử vong.

Ở khu vực Đông Nam Á, một số nước cũng ghi nhận số ca mắc ở mức cao như Thái Lan với 885 nghìn trường hợp, 7.343 ca tử vong; Malaysia số ca nhiễm đến ngày 14-8 là trên 1,3 triệu người với 12.228 ca tử vong; Indonesia số ca mắc được ghi nhận là trên 3,8 triệu với 116 nghìn ca qua đời…

Đối với Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay đã có tổng số 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).

Trong số đó có có 5.774 ca tử vong. Với 5.774 ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19).

Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay) khi xuất hiện chủng biến thể Delta thì số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Việt Nam là 271.037 ca, tăng rất nhanh và nhiều so với các giai đoạn dịch trước đó.

Trước thời điểm 27-4 số ca tử vong tại Việt Nam là 35 trường hợp, tuy nhiên cùng với sự gia tăng nhanh của chủng Delta dẫn đến số ca mắc tăng nhanh, tình trạng nặng nên số tử vong đã tăng thêm tới 5.737 người.

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong theo các chuyên gia là do chủng biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng; đồng thời chủng này cũng làm diễn biến bệnh tăng nặng hơn so với những chủng khác.

Theo đánh giá của WHO, biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19 so với các biến chủng khác.

Trong cuộc họp báo vào ngày 21-6-2021, Giám đốc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO- Mike Ryan cảnh báo, biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”.

Một phần nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ biến chứng nguy hiểm khi mắc biến chủng Delta nằm ở các biểu hiện lâm sàng không đặc trưng hoặc không có triệu chứng khi nhiễm virus. Người mắc bệnh rất dễ hiểu nhầm bản thân mắc bệnh cảm lạnh thông thường. Do đó, người dân nên đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các chỉ đạo phòng dịch của Nhà nước, chủ động sàng lọc yếu tố dịch tễ của bản thân và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường.

Biến thể Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Covid-19
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của BV Việt Đức được thiết lập tại Bệnh viện Dã chiến 13 TP Hồ Chí Minh (ảnh BYT)

PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) thông tin: WHO đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân so với các biến chủng khác. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày.

Tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh nguyên nhân chính là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan.

Còn theo TS-BS. Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này”.

Thiết lập mạng xã hội tăng cường hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19

Ngày 13-8, Bộ TT&TT đã có Văn bản số 3-82/BTTTT-CBC gửi các Sở TT&TT, các cơ quan báo chí; tổ chức, doanh nghiệp (viết tắt là các đơn vị) thiết lập mạng xã hội về việc tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; cập nhật các hướng dẫn, quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, các đơn vị tập trung về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội; tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế các trường hợp F0, F1...; hướng dẫn thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; hướng dẫn, cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn và mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết thực sự đầy đủ về các biện pháp tự bảo vệ an toàn trong mùa dịch, trong vùng có dịch.

Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, ngành y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn; chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí. Chủ động phát hiện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện, không gian truyền thông.

Các đơn vị tăng cường thông tin truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh; nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng, chống hiệu quả; đặc biệt, phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu chống dịch chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, tránh dập khuôn; sáng tạo các thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận; tăng thời lượng, số lượng các tin, bài hướng dẫn, phổ biến kiến thức về bảo vệ sức khỏe; tổ chức các chương trình tọa đàm tư vấn về y tế, phỏng vấn chuyên gia y tế,... phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng cụ thể.

Các Đài Phát thanh - Truyền hình tăng cường tần suất phát sóng các chương trình, chuyên mục giáo dục, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe tối thiểu 3 lần/ngày, lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người nghe, người xem; đẩy mạnh sản xuất các chương trình giải trí, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền về thông điệp 5K, hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân...

Các cơ quan báo chí in và điện tử cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành vị trí dễ tiếp cận và thể hiện nội dung thông tin sinh động, đa chiều, sáng tạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở TT&TT các tỉnh,TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, định hướng, đôn đốc các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống thông tin cơ sở triển khai thực hiện việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, địa phương và định hướng nêu trên, trong đó, tập trung chỉ đạo truyền thông cơ sở tiếp tục phát huy, có hình thức phù hợp, sinh động hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sâu rộng đến người dân.

Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên mạng chủ động rà quét thông tin trên không gian mạng, chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, hiệu quả trong phòng, chống dịch; kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các thông tin xấu, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động