Thứ hai 25/11/2024 16:31

Những con số biết nói và sự nguy hiểm của biến chủng Delta

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau hơn một năm cố gắng và bình yên trước đại dịch Covid-19, thì đến mấy tháng nay, cùng với thế giới, Việt Nam đang chao đảo vì sự tàn phá của biến thể Delta.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) xác định biến chủng Delta đã lây lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành biến chủng có tốc độ lây lan nhanh nhất so với tất cả các biến chủng từ khi xuất hiện đại dịch bắt đầu từ Vũ Hán năm 2019.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 17 - 8, thế giới đã ghi nhận 208.941.288 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.387.956 ca tử vong. Số ca hiện đang điều trị là 17.249.685, trong đó có 107.407 ca trong tình trạng nguy kịch.

Trong đó, tại Việt Nam, tính từ 18g ngày 16-8 đến 19g ngày 17-8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, riêng từ ngày 27-4 đến ngày 16-8, số ca nhiễm mới ghi nhận là 279.681 ca, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).

Biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh như đậu mùa
Biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh như đậu mùa. Ảnh minh họa

Không còn con số nhỏ giọt hoặc rất hiếm, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 17-8 đã lên đến con số 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Con số tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Và hàng ngày, con số hàng nghìn người lây nhiễm tại Việt Nam là một con số gây khủng hoảng cho hệ thống y tế của Việt Nam. Đợt dịch này là một thách thức, cũng là một gánh nặng cho ngành y tế. Thực tế đã ghi nhận, những cán bộ y tế Việt Nam tại các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh hiện đang làm việc với cường độ 200% công suất.

Sự nguy hiểm của biến thể Delta

Đánh giá về tốc độ lây lan của biến thể Delta, theo CDC Hoa Kỳ, có tốc độ lây nhiễm nhanh như đậu mùa, và chỉ kém virus gây bệnh sởi. Cũng thế, WHO đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, biến thể Delta được đánh giá có khả năng gây tử vong cao hơn, khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người....

Với thực tế dịch Covid-19 đang hoành hành tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch hôm 16-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng phân tích, biến thể Delta gây bùng phát đợt dịch này lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Virus biến thể có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào, từ đó dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây, Bộ trưởng Long cho biết. Theo đó, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ, trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn 40 – 60% so với biến chủng Alpha. Tại khu vực phía Nam, ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta, các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính nằm ở tỉ trọng của biến chủng Delta. Biến thể này có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó hời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan nhanh.

Một nguyên nhân nữa là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy, chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, biến thể Delta lây lan rất mạnh trong môi trường kín.

Với thực tế biến thể Delta làm chao đảo cả thế giới và tạo thành nỗi khủng hoảng của người dân phía Nam, thì tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để chống lại biến thể Delta. Nhưng không có vắc xin nào cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn, nên những người đã tiêm chủng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm từ những biến chủng Delta. Tuy nhiên một người tiêm chủng đầy đủ thường sẽ khỏi bệnh nhanh hơn so với người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng một phần.

Một mình vắc xin sẽ không đủ để ngăn chặn biến thể Delta trong cộng đồng, trong trường hợp đó, các biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan trong virus ở mọi thời điểm vẫn là luôn thích hợp. Đó là các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người…

Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12-2020. WHO đã đổi tên biến thể này thành Delta để đơn giản hóa tên khoa học B.1.617.2 ban đầu. Tới nay, chủng virus này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Australia mới đây cho thấy chủng virus Delta dường như có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này. Không chỉ nguy hiểm người lớn, tại Mỹ, theo dữ liệu gần đây của Hiệp hội Bệnh viện Nhi và Học viện Nhi Khoa Mỹ (AAP), biến thể Delta làm gia tăng số bệnh nhi nhập viện, gây các triệu chứng nặng hơn ở trẻ nhỏ, không đơn thuần là triệu chứng nhẹ tương tự cúm mùa như trước đây. Theo đó, nhiều trẻ bị suy hô hấp nặng, viêm phổi và phải can thiệp phổi tích cực, thậm chí phải đặt nội khí quản trong những khu điều trị đặc biệt.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động