Thứ hai 25/11/2024 13:41

Bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, gia đình nữ sinh đại học bị lừa gần 100 triệu đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ấn nhầm một vào một link giả danh nhà mạng Viettel, một nữ sinh đại học bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại. Kẻ gian đã lợi dụng điều này để gọi điện cho người nhà cô gái nhắn chuyển tiền.
Bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, gia đình nữ sinh đại học bị lừa gần 100 triệu đồng
Sau khi bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, gia đình nữ sinh đại học bị lừa gần 100 triệu đồng

Theo lời kể của người nhà cô gái, ngày 16/4, mẹ cô gái và bác cô gái (ở Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Face ID của con/cháu gái mình đang học tại một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh nhắn chuyển tiền. Mẹ cô gái thì được yêu cầu chuyển ngay 40 triệu đồng để nộp tiền gấp cho một khóa học tại trường. Bác cô gái thì được nhắn xin 20 triệu để xin sửa màn hình máy tính bị vỡ, vì sợ mẹ mắng nên không dám gọi xin mẹ. Yên tâm vì đúng Face ID, hình của con gái, cháu gái mình hiện trên màn hình điện thoại nên mẹ và bác của cô gái đã không ngần ngại chuyển khoản. Ngay lập tức số tiền vừa chuyển đến tài khoản của cô gái đã được đặt lệnh chuyển sang một tài khoản khác do kẻ lừa đảo lập nên.

Cô nữ sinh cho biết, có một tin nhắn giả danh tổng đài Viettel gửi đến điện thoại của cô, thông báo về việc số điện thoại chưa đăng ký chính chủ. Không nghi ngờ, không kiểm chứng, cô đã click vào đường link lạ được gửi đến. Ngay lập tức, điện thoại của cô gái đã bị chiếm quyền kiểm soát (nhưng lúc này cô gái vẫn chưa phát hiện ra).

Kẻ gian đã dùng Face ID của cô gái gọi cho gia đình, đề nghị mẹ chuyển tiền học phí, xin bác tiền sửa màn hình máy tính. Ngay khi số tiền vừa đến tài khoản, kẻ gian đã dùng quyền kiểm soát điện thoại của cô gái, đặt lệnh chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của cô sang một tài khoản khác. Tổng cộng, gia đình cô gái đã bị kẻ gian lừa chuyển khoản 80 triệu đồng.

Một thủ đoạn lừa đảo khác đã được cảnh báo nhiều lần, đó là thủ đoạn kẻ gian giả mạo người thân, bạn bè của khách hàng và sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để lừa đảo. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cho biết gần đây, tình trạng lừa đảo, mạo danh, giả mạo tin nhắn của ngân hàng có xu hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm ngày càng có nhiều chiêu thức tinh vi nhắm đến những khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lừa đảo thu thập thông tin của khách hàng, sau đó lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…) có ảnh đại diện, tên tài khoản, hình nền giống với người bị mạo danh, rồi nhờ một người có tên tương tự để mở tài khoản ngân hàng trùng với người bị giả mạo.

Sau khi kết bạn với người trong danh bạ (được cho là dữ liệu mua từ bên thứ 3), đối tượng giả mạo sẽ nhắn tin, sử dụng công nghệ AI để làm giả cuộc gọi video-call hỏi vay tiền với lý do cần việc gấp, cần tiền chữa bệnh… Sau đó, kẻ giả mạo gửi số tài khoản có tên chủ tài khoản chính xác là người bị mạo danh, khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền đến tài khoản đó.

Thủ đoạn lừa đảo này khiến nhiều người mất tiền oan vì cuộc gọi video-call hiện lên đúng ảnh đại diện, hình nền giống với bạn bè, người thân của mình.

Một cảnh báo khác được các chuyên gia bảo mật và ngân hàng khuyến cáo gần đây là hạn chế tối đa việc sử dụng wifi công cộng, nhất là những wifi không có mật khẩu để giao dịch ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán…

Theo phân tích của chuyên gia, sử dụng wifi công cộng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. Bởi lẽ, tin tặc có thể thiết lập mạng wifi giả mạo với tên giống hoặc tương tự các mạng wifi công cộng chính thống. Khi người dùng kết nối vào mạng giả mạo này, tin tặc có thể kiểm soát hoạt động trên mạng và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Ngoài ra, việc kết nối wifi công cộng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác, cụ thể: Lưu lượng truy cập không mã hóa: Nếu mạng wifi công cộng không sử dụng mã hóa, tin tặc có thể dễ dàng theo dõi và chặn lưu lượng truy cập giữa thiết bị của người dùng và điểm truy cập wifi, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng; Phần mềm độc hại: Tin tặc có thể tận dụng wifi công cộng để đưa phần mềm độc hại như virus, ransomware hay spyware vào các thiết bị của người dùng; Sự thiếu bảo mật của các thiết bị khác: Khi kết nối wifi công cộng, người dùng cũng có thể tiếp xúc các thiết bị khác đang kết nối cùng mạng, mà không phải tất cả đều được bảo vệ đầy đủ…

Để bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng, người dùng được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng wifi công cộng. Nếu không thể tránh khỏi việc sử dụng wifi công cộng, hãy cân nhắc dùng VPN (Virtual Private Network) để mã hóa lưu lượng truy cập và bảo vệ thông tin cá nhân.

Đối với việc quét mã QR để thanh toán, chỉ nên quét ở những cửa hàng uy tín, tránh nguy cơ bị dẫn dụ tải file và link độc hại. Khi thanh toán, nếu cần nhập mã pin và mật khẩu, người dùng cần che tay, tránh bị camera có thể vô tình hoặc cố ý ghi lại, phòng kẻ gian dùng vào việc xấu.

Các ngân hàng nhấn mạnh khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP… cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do nào; cẩn trọng và kiểm tra kỹ đối với các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email lạ chào mời tham gia sự kiện, thông báo trúng thưởng...

Cảnh báo thủ đoạn giả danh cán bộ thuế hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo
Nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, người dân phải làm gì?
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động