Thứ hai 20/05/2024 12:58

Bắt buộc sinh viên học môn an toàn vệ sinh lao động?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Năm 2016, trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ gây chết người là 799 vụ, làm 862 người chết, 1.952 người bị thương nặng.

Ngày 25-4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI đã phối hợp với Quỹ tài trợ International SOS Foundation tổ chức hội thảo Góc nhìn pháp lý và thực tiễn cho doanh nghiệp về chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho nhân viên.

Theo các chuyên gia lao động, bảo đảm ATLĐ là trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và cả người lao động (NLĐ) thông qua xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc” vì NLĐ là một trong những tài sản quan trọng nhất của DN, xã hội.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI cho hay, trong thực tế, nhiều DN đã quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động, nhưng nhiều DN còn trốn đóng BHXH, không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cho NLĐ.

Tỷ lệ trung bình 2 người chết vì TNLĐ/ngày được Bộ LĐTB&XH công bố chiều qua (24-4) cho thấy đang có tình trạng thờ ơ đối với đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, dù đã có một hệ thống các quy định pháp luật về vấn đề này.

Hiện, pháp luật đã có những quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của người lao động tại nơi làm việc như Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm xã hội…

IMG_3556

Các chuyên gia bàn về đảm bảo an toàn lao động trong DN

Theo các quy định hiện hành, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc hàng tháng để chi trả trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải chi trả các chi phí tài chính, khoản bồi thường và các khoản trợ cấp…

Bà Lan Anh cho rằng, DN cần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, không chỉ đảm bảo ATLĐ mà cần phòng ngừa TNLĐ. “DN cần cân nhắc chi phí phòng ngừa so với chi phí phải chi trả cho hậu quả để xảy ra tai nạn lao động, chế tài xử phạt về tài chính trong việc vi phạm quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động”, bà Lan Anh nói.

Bác sĩ Philippe Guibert, Đại diện Quỹ International SOS Foundation cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, quản lý, phòng ngừa rủi ro là mô hình hợp lý để giảm thiểu chi phí cho của DN.

Tất cả các nước đều có nguy cơ rủi ro đối với NLĐ. Quy mô DN càng lớn thì trách nhiệm phòng ngừa càng lớn. Ước tính của SOS quốc tế, chi phí trung bình cho một chuyến công tác quốc tế là 311.000 USD/năm nhưng chi phí tổn thất trung bình cho một lần cử NLĐ ra nước ngoài làm việc mà gặp sự cố sẽ là 570.000 USD – 950.000 USD.

Trong khi đó, kinh phí cho chương trình kiểm tra sức khỏe trước khi cử NLĐ ra nước ngoài làm việc có thể tiết kiệm chi phí cho DN lên đến 2,5 lần.

Theo đại diện Công ty Nestle cho biết, hiện môn ATVSLĐ là môn học tự chọn trong các trường đại học. “Cần đưa môn này thành môn bắt buộc trong trường học”, đại diện Công ty Nestle đề nghị và cho rằng, nếu người lao động không hiểu, không nhận thức được, thì rất khó tự bảo vệ mình.

Cũng theo đại diện Công ty Nestle, 60% tai nạn lao động là do hành vi của con người gây ra, vì vậy, điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức, hành vi của người lao động.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), văn hoá an toàn tại nơi làm việc là văn hoá trong đó, Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh. Trong đó, nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu.

Phương Thảo / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động