Chủ nhật 28/04/2024 17:26

Bảo tồn giếng làng thời đô thị hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong không gian đô thị của Hà Nội náo nhiệt, hiện đại, ngày nay vẫn còn tồn tại những chiếc giếng từ cổ xưa, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử.
Bảo tồn giếng làng thời đô thị hóa
Giếng làng ở tổ dân phố 3C phường Liễu Giai (ngõ 67 Văn Cao) vừa được khôi phục sẽ là địa điểm làm "sống" dậy những hoài niệm văn hóa, lịch sử về một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ảnh: Triệu Tâm

Những giếng cổ tồn tại theo lịch sử

Ngày nay, theo dòng chảy thời gian, có nhiều giếng đã bị lấp đi dành đất để sinh sống, kinh doanh hoặc đô thị hóa. Có những giếng do ô nhiễm hoặc cạn nước nên cũng bị san bằng... Nhiều người không còn nhớ đến vị ngọt mát lành của nước giếng. Dẫu vậy, rải rác trong ngõ xóm của khu phố cổ Hà Nội vẫn sót lại một vài chiếc giếng đã tồn tại song hành cùng bao thế hệ người dân nơi đây. Những chiếc giếng giữ cho phố phường Hà Nội một nét lạ, nét riêng về thời xưa cũ.

Trong số đó có thể kể đến giếng nước hiếm hoi vẫn còn được sử dụng nằm ở cuối ngõ Hàng Chỉ (quận Hoàn Kiếm). Theo ghi nhận, những du khách ưa khám phá sẽ bị cuốn hút bởi cái giếng cổ cuối ngõ. Giếng sâu khoảng 6m đến 7m, quanh năm không bao giờ hết nước. Khi trời nắng có thể nhìn thấu xuống tận đáy giếng. Người dân sống ở ba ngõ phố này, đặc biệt là những người già vẫn hàng ngày ra đây múc nước về để tưới cây, giặt giũ, rửa xe, lau nhà hay làm những việc đơn giản khác.

Cách đó không xa là, ngõ Tạm Thương nằm trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây vốn có rất nhiều giếng cổ nhưng hầu như đã bị san lấp gần hết trong quá trình tu sửa, cơi nới nhà cửa. Hiện tại, chỉ còn lại hai chiếc nằm ở đình Yên Thái và số nhà 25. “Giếng cổ ngõ này hiện nay bị lấp hết rồi, chỉ còn hai cái giếng là giếng bên đình và giếng nhà tôi, tuổi đời cũng xấp xỉ ngôi đình này. Thời Pháp thuộc có xi măng nên được cải tạo lại, xây đắp lên thành giếng”, một người dân cho biết thêm.

Ngoài giếng cổ trong ngõ Tạm Thương, không ít giếng cổ còn được giữ lại như: giếng cổ ở phố Hàng Trống (trong ngõ 68), giếng tại ngõ 15 Phủ Doãn… Đặc biệt phải kể đến giếng cổ trong nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Đi qua cổng 36 phố Nhà Chung là có thể ngắm một số giếng còn nguyên vị. Riêng long mạch của trời đất là những cái giếng thì vẫn còn. Đó chính là hồn thiêng của Thăng Long xưa được giữ - những giếng tròn như những mắt ngọc lung linh hồn phố, nhộn nhịp kinh thành cổ xưa.

Mặc dù nhà nhà đều có nước máy, nhưng người dân ở ngõ Hàng Chỉ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn thường xuyên sử dụng nước giếng khơi để phục vụ sinh hoạt như giặt giũ, tưới cây… Ảnh: Triệu Tâm
Mặc dù nhà nhà đều có nước máy, nhưng người dân ở ngõ Hàng Chỉ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn thường xuyên sử dụng nước giếng khơi để phục vụ sinh hoạt như giặt giũ, tưới cây… Ảnh: Triệu Tâm

Bảo tồn một nét văn hóa

Xác định rõ, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long nghìn năm chính là để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống. Lãnh đạo Quận Ba Đình xác định việc khôi phục và bảo tồn giếng nước làng tổ dân phố 3C phường Liễu Giai (ngõ 67 Văn Cao) là ưu tiên. Qua đó, các hoạt động này sẽ giúp thu hút sự quan tâm của du khách và Nhân dân, mang lại những giá trị kinh tế to lớn.

Đồng thời, mong muốn mang lại cho thế hệ trẻ ngày nay có được những hình ảnh thực tế, sinh động, để hình dung rõ hơn về quá khứ, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, cùng chung sức gìn giữ bảo tồn thiết chế văn hóa làng xã.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tọa chia sẻ, trước kia, mỗi con phố ở Hà Nội đều có giếng. Những chiếc giếng đa phần có đường kính nhỏ, chỉ khoảng 1m, là nguồn cung cấp nước cho người dân. Khi mới có nước máy, giếng vẫn được dùng vì cả xóm phải dùng chung một vòi nước công cộng. Mất nước máy, giếng là lựa chọn duy nhất của dân trong phố. Khi nước máy vào từng nhà thì giếng bỗng chốc bị… “bỏ quên”, rồi dần dần bị mai một trong ký ức của mọi người. Nguồn nước mát trong từ những chiếc giếng không còn được trọng dụng, người dân quên dần tính cộng đồng nơi sân giếng.

“Tuy vậy, những chiếc giếng có tuổi đời hàng trăm năm, hầu như không còn được sử dụng nhưng lại là hiện vật lịch sử vô cùng quan trọng, thể hiện tinh thần tôn vinh giá trị truyền thống của người dân Thủ đô” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Tọa cho hay.

Giếng đã từng là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hiện tại, khi nhà nhà đều có nước máy, người người sử dụng nước máy thì giếng làng được xem là điểm nhấn đặc trưng làm nên nét đẹp văn hóa của Hà Nội, cần được bảo tồn trong nhịp điệu sôi động của Thủ đô ngày nay.

Vậy nên, vấn đề đặt ra là làm sao để giữ gìn được nét đẹp văn hóa giếng làng khi mà giá trị sử dụng không còn nữa. Giá trị sử dụng không còn nhưng giá trị tinh thần, nhân văn của dân tộc ở giếng làng vẫn còn đó. Giếng làng cần được bảo tồn theo đúng tầm vai trò của nó. Chỉ cần một chút chăm sóc quan tâm như giữ gìn sạch sẽ môi trường nước mặt của giếng, tu tạo lại thành giếng và không gian xung quanh, khôi phục những giếng bị bỏ hoang… sẽ thổi được một sức sống mới vào hồn cốt cho di sản giếng làng.

Giếng cổ giữa lòng phố cổ thực sự là một nét văn hóa, là một phần ký ức của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi và cần được bảo tồn trong nhịp điệu sôi động của Thủ đô thời hiện đại. Giếng cổ trong vắt như gương, nếu như mai này chỉ thấy lại qua văn chương, báo chí thì quả là điều tiếc nuối!

Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 trên 60%
Hà Nội: Chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo đúng tiêu chí
Dấu ấn điêu khắc trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động