Thứ bảy 20/04/2024 20:49

Báo động sự xâm nhập của ma túy mới ảnh hưởng thế hệ trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bên cạnh sự xâm nhập ma túy thông qua thuốc lá điện tử, thực phẩm... thì vụ việc 3 trẻ nhỏ ở Hà Nội phải nhập viện sau khi cùng ăn một loại bánh sô cô la có chứa chất gây nghiện một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự xâm nhập của các loại ma túy mới.
Ma túy đang ngày càng len lỏi vào cuộc sống bằng cách tiếp cận với con đường thực phẩm
Ma túy đang ngày càng len lỏi vào cuộc sống bằng cách tiếp cận với con đường thực phẩm

Ma túy “núp bóng sô cô la bay” vừa xuất hiện

Ngày 9/5, CA TP Hà Nội xác nhận đã cùng với BV Nhi Trung ương vào cuộc điều tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của loại ma túy mới mang tên “sô cô la bay”.

Cụ thể, BV Nhi Trung ương đã cấp cứu thành công 3 trẻ nhỏ ở một khu trọ nội thành Hà Nội cùng ăn một loại bánh sô cô la được hàng xóm cho, có biểu hiện ngộ độc. Qua phân tích, trong bánh có chứa chất gây nghiện, BV Nhi Trung ương đã mời CA TP vào cuộc làm rõ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vụ việc xảy ra khi 1 trong 3 cháu bé được 1 người hàng xóm cho bánh sô cô la mang ở Cty về. Cháu bé này đã chia cho 2 bạn khác cùng xóm trọ, dẫn đến sự việc trên. CQCA đã lấy mẫu bánh đi xét nghiệm, kết quả trong bánh 3 trẻ ăn có chứa loại ma túy mới, còn gọi là "sô cô la bay".

Trước vụ việc trên, CQCA và BV Nhi Trung ương cảnh báo, chất nghiện núp bóng thực phẩm như kẹo viên, kẹo sô cô la, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy... đang xuất hiện phổ biến.

Trước đây, ma túy chủ yếu được chế biến thành dạng viên, bột dùng để uống hay hít, hút, chích… Tuy nhiên giờ đây, thị trường nghiện chất ngày càng trở nên đa dạng với đủ chủng loại, núp bóng thực phẩm như kẹo viên, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, kẹo sô cô la, bánh quy… Điều này đã làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc và ngộ độc với các loại ma túy.

Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, điều trị, đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới.

Mới đây, CA TP Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo về thủ đoạn đối tượng phạm tội nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda, sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Thậm chí, đối tượng phạm tội còn chế biến cần sa thành bánh và trộn với các thành phần khác như bơ, bột mì, sô cô la, đường… rồi rao bán trên mạng internet.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, ADB-Buticana và các dẫn xuất của nó có trong “sô cô la bay” thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy, có số thứ tự từ 179 đến 184 trong danh mục II C, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định các chất ma túy và tiền chất. Các chất này bị cấm tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

Bảo vệ con trẻ trước “ma trận” nghiện chất

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, GĐ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo, bỏng ngô… và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Ông bày tỏ sự lo lắng khi ma túy đang ngày càng len lỏi vào cuộc sống bằng cách tiếp cận với con đường thực phẩm.

Trước “ma trận” nghiện chất, việc bảo vệ con trẻ vô cùng quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo, với ngộ độc ma túy thì nguyên tắc là “phòng hơn chữa”. Với trẻ nhỏ, các gia đình cần giám sát, chăm sóc, để trẻ không ăn phải các “thực phẩm lạ” không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo các chuyên gia y tế, có hai nhóm trẻ ngộ độc ma túy theo hướng khác nhau:

Với nhóm trẻ lớn, nhất là ở tuổi dậy thường có xu hướng khẳng định bản thân nên việc sử dụng ma túy với mong muốn “trải nghiệm” và thể hiện “bản lĩnh”. Các triệu chứng ngộ độc ma túy ở trẻ lớn có thể từ thoáng qua cho tới nặng. Hơn nữa, trẻ còn có xu hướng che giấu bệnh để tránh sự phát hiện của gia đình. Ngoài các triệu chứng cấp tính, trẻ có thể để lại các tổn thương mãn tính, để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và tinh thần, tâm sinh lý sau này.

Còn với nhóm trẻ nhỏ, đa phần việc ăn phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Biểu hiện bệnh của nhóm này thường nặng hơn. Các bệnh nhân thường có các biểu hiện ngộ độc xảy ra đột ngột, có rối loạn ý thức từ nhẹ tới nặng như hôn mê sâu, ảo giác, lơ mơ… hoặc có triệu chứng tim mạch tăng nhịp tim, huyết áp. Trẻ cũng có thể bị tác động tới đường hô hấp như kích thích, thở nhanh, ngừng thở. Một số triệu chứng khác đi kèm thường thấy là nôn, đi ngoài, đau bụng…

Để phòng tránh, phụ huynh, nhà trường cần đặc biệt lưu ý, cảnh giác với các mạng xã hội Facebook, website, TikTok… đang rao bán công khai loại ma túy sô cô la. Phụ huynh và nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền để con em tránh xa những thông tin độc hại trên mạng xã hội, rủ rê sử dụng thực phẩm lạ, thuốc lá điện tử…

Nhà trường cần thông tin tới phụ huynh để cùng tăng cường giám sát học sinh; khuyến cáo cha mẹ không nên cho con nhiều tiền, quan tâm quản lý việc chi tiêu của con. Ngoài ra, không phải toàn bộ thời gian của học sinh đều ở trường, nên rất cần sự quan tâm từ phía cha mẹ học sinh để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan; đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, trong đó có việc không đi theo người lạ, không nhận đồ từ người lạ, không ăn/uống các sản phẩm không rõ nguồn gốc… Bên cạnh đó, các trường cũng tăng cường phối hợp với chính quyền, CA phường nắm bắt tình hình an ninh trật tự và kiểm tra hàng quán xung quanh khu vực trường.

Cảnh báo xuất hiện loại ma túy mới xâm nhập vào giới trẻ
Cảnh báo sự xuất hiện của các loại ma túy kích dục dưới dạng thuốc lá
Hà Nội: 3 trẻ nhỏ nhập viện sau khi ăn loại bánh có chứa ma túy
Linh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động