Bảo đảm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: C.P |
Cường độ làm việc công chức Hà Nội cao gấp 1,5 lần cả nước
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, căn cứ vào số liệu báo cáo tại Niên giám thống kê và các quyết định giao biên chế công chức của Bộ Chính trị năm 2024 cho thấy tỷ lệ công chức/người dân của cả nước là 1 công chức/750 người dân, tỷ lệ này của các cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội là 1 công chức/1.139 người dân. Như vậy, tỷ lệ công chức/người dân của Hà Nội thấp hơn cả nước khoảng 1,5 lần, hay nói cách khác, cường độ làm việc của công chức Hà Nội cao gấp 1,5 lần so với công chức cả nước.
Hiện nay, dân số của Thủ đô tăng nhanh qua các năm, yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô ngày càng tăng, tính phức tạp ngày càng lớn; công tác cải cách hành chính yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết... Trong khi đó, biên chế của Thủ đô không được tăng mà còn phải thực hiện cắt giảm theo tỷ lệ chung như cả nước, dẫn đến quá tải, áp lực công việc rất lớn lên đội ngũ công chức, viên chức. Điều này dẫn đến tình trạng công chức, viên chức thôi việc, chuyển ra khỏi khu vực công trong những năm gần đây ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, cường độ làm việc của công chức, viên chức TP Hà Nội cao khoảng 1,5 lần so với công chức, viên chức cả nước và chỉ số giá tiêu dùng tại Thủ đô cao hơn so với các tỉnh, TP. Trong khi đó, lương của công chức, viên chức Thủ đô được áp dụng theo thang bảng lương chung của cả nước, dẫn đến, mức lương của công chức, viên chức chưa bảo đảm đủ chi phí cuộc sống. Vì vậy, nhiều người kỳ vọng, chính sách mới của Luật Thủ đô năm 2024 sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế này.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024 quy định: “cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc”.
Cơ chế này tạo điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm nhu cầu cuộc sống; khi nhận được chế độ đãi ngộ và nguồn thu nhập tốt sẽ tạo ra nguồn động lực cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo không khí phấn khởi, yên tâm hơn để phục vụ và công hiến, nâng cao sức lao động, hiệu quả công việc. Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư trong huy động nhân lực chất lượng cao, tạo ra nhiều cơ hội thu hút được người giỏi từ nước ngoài, từ khu vực tư về làm việc cho Thủ đô.
Thu hút, trọng dụng nhân tài chất lượng cao
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, nghị quyết về nội dung trên được TP xây dựng bảo đảm khách quan, công bằng, gắn với hiệu quả công việc, không cào bằng, cơ bản bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng tại Thủ đô, giúp động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển của TP.
Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện nghị quyết được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành.
TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển TP Hà Nội, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất.
Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả thì sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Nếu bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại thì mới có thể thu hút và sử dụng được hết các nguồn lực - không những nguồn lực của Nhà nước, mà còn nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ cho phát triển đất nước. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả cán bộ bán chuyên trách có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển Thủ đô.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, chính sách, thể chế đã rất đột phá, rất vượt trội, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhưng muốn đi vào cuộc sống, muốn được thực thi có hiệu quả, thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết.
Luật Thủ đô 2024 là khâu đột phá quan trọng về cơ chế, chính sách |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại