Bài cuối: Giám sát chặt việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ những lá đơn của Nhân dân!
Phải khẳng định rằng, trong các vụ án được phá, được làm sáng tỏ trong thời gian qua liên quan tới sai phạm, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức xảy ra tại địa bàn tỉnh Nghệ An thì phải kể đến một phần công lao lớn từ người dân. Khi phát hiện ra những việc làm khuất tất, sai phạm của cán bộ địa phương, nhiều người vì quyền lợi của mình, cũng như vì cái chung đã sẵn sàng làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cấp để được xem xét, giúp đỡ, xử lý. Và chính từ những lá đơn như những nguồn tin hết sức giá trị đó , nhiều vụ việc đã được bóc mẽ, nhiều sai phạm ung nhọt, nhức nhối dần được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh.
Như vụ việc xảy ra tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, từ đơn tố cáo của người dân, về những “bất thường” trong chi trả tiền hỗ trợ, khắc phục sản xuất cho bà con nhân dân sau bão lũ mà cán bộ xã này thực hiện. Sau khi có những bằng chứng sơ bộ, người dân đã làm đơn tố cáo lên huyện Anh Sơn và các cơ quan hữu quan.
Cụ thể, quá trình nhận hỗ trợ, người dân phát hiện những bất thường như có một số người được liệt kê chi trả ở nhiều xóm khác nhau, số tiền chi trả hỗ trợ không đúng, bị cắt xén thấp hơn so với thông báo mà nhân dân được biết...do bất bình nên người dân làm đơn khiếu nại lên xã yêu cầu trả lời rõ ràng, nhưng mọi việc không được giải quyết minh bạch, công khai. Người dân tiếp tục gửi đơn lên huyện, và sau nhiều lần làm việc, toàn bộ nội dung khiếu nại của ngược dân được huyện chuyển giao sang Công an huyện điều tra vì có dấu hiệu làm trái quy định.
Xã Hợp Thành, nơi có 4 đối tượng là cán bộ, công chức bị khởi tố |
Sau quá trình xác minh, khi đủ căn cứ, Công an huyện Anh Sơn đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (40 tuổi) Chủ tịch UBND xã Khai Sơn về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và bà Phan Thị Hoài - cán bộ địa chính, nông nghiệp về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hay như vụ án xảy ra tại UBND xã Hợp Thành, huyện Yên Thành dẫn tới việc khởi tố 4 cán bộ, công chức. Các đối tượng bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Mão (58 tuổi) nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, Trương Văn Chung (48 tuổi) kế toán trưởng UBND xã Hợp Thành), Nguyễn Công Bằng (35 tuổi) công chức địa chính, xây dựng UBND xã Hợp Thành, Nguyễn Thị Thương (44 tuổi) công chức Tư pháp kiêm thủ quỹ UBND xã Hợp Thành).
Cũng từ những việc làm mờ ám, khuất tất của chính quyền xã về vấn đề tài chính, người dân đã làm đơn tố cáo lên chính quyền các cấp. Và sau khi CA vào cuộc điều tra thì xác định rõ một phần vụ việc liên quan hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ về việc chi hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm, thực tế khoản tiền hơn 300 triệu này đã được làm hồ sơ và thực chi vào năm 2017.
Từ những vụ án nêu trên có thể thấy rằng, khó có hành vi sai trái nào có thể qua mắt được nhân dân. Những sai phạm tại địa phương sẽ luôn bị nhân dân phát giác. Và những hành vi vi phạm pháp luật ấy, dù tinh vi, ma mãnh, che đậy tới đâu cũng không thể qua mặt được lực lượng CA. Khi những lá đơn từ người dân được nắm bắt kịp thời, theo dõi xử lý sát sao thì ít nhiều các hành vi sai phạm sẽ được ngăn chặn kịp thời, chấn chỉnh kịp thời.
Can thiệp sớm trước khi thành “ung nhọt lớn”
Theo số liệu từ cơ quan chức năng Nghệ An, trong năm 2021 toàn tỉnh này đã tiếp hơn 6.300 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh; đã giải quyết được 281/316 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi trên 1,3 tỷ đồng và hơn 430m2 đất; đề nghị kỷ luật hành chính 2 tập thể và 24 cá nhân có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc với 5 đối tượng. Riêng công tác phòng chống tham nhũng đã phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Trong năm 2021, toàn ngành Thanh tra Nghệ An đã triển khai 294 cuộc thanh tra hành chính; 1.037 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 104 cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng gắn với thanh tra công vụ. Qua thanh tra hành chính đã thu hồi 41,7/43,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95%; xử lý 2.305 m2 đất; ban hành 2.314 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11,9 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 198 tổ chức và 845 cá nhân có sai phạm; phát hiện 04 vụ việc chuyển cơ quan điều tra.
Nhận Quyết định khởi tố về những hành vi vi phạm pháp luật, nhiều cán bộ, công chức hối hận thì cũng đã muộn |
Vào đầu năm 2022, phát biểu nêu quan điểm chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị toàn ngành Thanh tra bám sát chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng công tác thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thích ứng với yêu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu, xảy ra vi phạm, có dư luận xã hội phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, lựa chọn thanh tra công vụ làm nhiệm vụ trọng tâm; giải quyết những vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, tín dụng, ngân hàng...
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tiếp tục thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong phòng chống tham nhũng, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý; thực hiện tốt việc thanh tra kê khai tài sản, thu nhập; nhanh chóng nắm bắt các dấu hiệu, xử lý kịp thời vi phạm tham nhũng.
Mới đây, trong kỳ họp cuối tháng 3 vừa qua, thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của cấp ủy bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương đầu tư; tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động cơ quan nhà nước. Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan khối nội chính. Tăng cường hiệu quả của Ủy ban kiểm tra các cấp; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại