Bài cuối: Bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm |
Xây dựng 2 dự án Luật liên quan đến giao thông đường bộ
Đồng chí Trung tướng TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, với vai trò nòng cốt lực lượng Công an Nhân dân đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động giao thông đường bộ. Thực tiễn cho thấy, số vụ tai nạn giao thông diễn ra trên tuyến giao thông đường bộ đã giảm nhưng chưa bền vững, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội.
Các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn ra ngày càng phức tạp hơn, trong đó có những vụ, việc rất phức tạp, nghiêm trọng. Xu hướng lợi dụng việc tác động hoạt động giao thông đường bộ để chống phá Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống; phạm tội trên tuyến giao thông và nhiều loại tội phạm khác đang được các đối tượng khai thác, sử dụng gây thách thức không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều này cho thấy, bảo đảm trật tự, an toàn trên tuyến giao thông đường bộ là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 2 dự án Luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật TTATGT. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, các tuyến giao thông đã trở thành những tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.
Việc hoàn thiện cơ sở pháp luật góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia; phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự cụ thể hóa quy địnhcủa Hiến pháp, sự phúc đáp yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn TTATGT giao thông đường bộ - một trong những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn hiện nay. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật...
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, vấn đề kỹ thuật, hạ tầng, kinh tế và vấn đề an ninh, an toàn cần thiết có luật riêng. Ở Việt Nam, tai nạn giao thông hiện nay diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ. Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, trong khi quy hoạch, tổ chức và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm.
Dự thảo luật xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ quản lý Nhà nước về TTATGT, xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn Cảnh sát giao thông đang là lực lượng chính trong quản lý TTATGT đường bộ.
“Dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết là khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết. Trong đó, Luật TTATGT giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội” - ông Ngọ Duy Hiểu nêu.
Cần thiết phải ban hành Luật!
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, từ những luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất xây dựng Luật Đường bộ và Luật TTAGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội. “Chúng tôi thấy rằng, cần thiết phải có Luật TTATGT, trong đó nêu rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào phối hợp.
Chính phủ yêu cầu trình 2 Luật song hành nhau để nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, người nào chịu trách nhiệm ở giai đoạn nào, nhiệm vụ nào. Trong Luật Đường bộ, ngoài Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Công an và các bộ, ban ngành khác cũng phải tham gia” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định, ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Từ góc độ này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, Pháp luật quốc gia vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ.
Đây là vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất trong bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông. Bảo vệ quyền con người trong vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, từ khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại.
PGS.TS Tường Duy Kiên nêu một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ, trong đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông; cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, quán triệt và vận dụng đúng quy định về hạn chế quyền con người theo khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013. |
Bài 1: Vì sao phải tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật? | |
Bài 2: Những hạn chế của Luật Giao thông đường bộ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại