Thứ năm 18/04/2024 11:11
Định vị bản sắc Thủ đô qua không gian sáng tạo

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ miền ven sông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân”, phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một trong số hàng chục không gian văn hóa nghệ thuật Thủ đô được ví như “viên ngọc ẩn” giữa lòng phố.

Không gian nghệ thuật bất ngờ...

Là dự án được triển khai từ năm 2020, “Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” đến nay trở thành điểm “check-in” lý tưởng của người dân và du khách xa gần. 16 tác phẩm nghệ thuật trải dài trên đoạn đường 500m như một bức phù điêu lịch sử tái hiện câu chuyện kể về mảnh đất Thăng Long – Kẻ Chợ.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển nghệ thuật của dự án, đơn vị nhận đề tài biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật thuộc dự án “Cải tạo bức tường bảo vệ hành làng bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng” từ đầu tháng 1-2020 do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Trước khi thực hiện dự án, đội ngũ nghệ sĩ đã có cuộc họp với cộng đồng cư dân lắng nghe nguyện vọng, câu chuyện của người dân để lên ý tưởng thực hiện. Xưa kia, khu vực ven bờ lở sông Hồng là nơi từng tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương của chốn kinh kỳ. Bởi vậy, ý tưởng của các nghệ sĩ tái hiện tại chính câu chuyện về văn hóa, lịch sử của vùng đất Phúc Tân, về sông Hồng và rộng hơn nữa là về Thăng Long - Hà Nội.

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ bãi rác ven sông
Tác phẩm "Thuyền" tác giả Vũ Xuân Đông tái hiện hình ảnh 4 chiếc thuyền buồm phản chiếu hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm được sử dụng từ hơn 10.000 chai nhựa, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng,… Ảnh: Khánh Huy

Chính quyền địa phương cũng có nhiều nỗ lực, giải pháp khắc phục, khi từ năm 1993 đã xây bức tường khoanh vùng, bảo vệ khu dân cư; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm…song không thể giải quyết triệt để. Khu vực trở thành “điểm nóng” về tập kết rác thải. Ý tưởng đưa nghệ thuật vào môi trường tồn tại nhiều năm qua.

Từ hiệu quả tuyến phố bích họa Phùng Hưng, ý tưởng đưa nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức người dân, để họ chủ động phối hợp, tham gia cải tạo, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng đã được tính đến.

Nhờ quyết tâm của chính quyền và sự chung tay của người dân và giới nghệ sĩ, “Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” được hoàn thiện sau 2 tháng triển khai.

16 nghệ sĩ thực hiện “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” đã hòa mình vào cuộc sống muôn màu, tạo ra không gian nghệ thuật giàu tính tương tác với con người và môi trường.

Tiêu biểu từ tác phẩm sắp đặt “Gánh hàng rong” tác giả Nguyễn Thế Sơn tái hiện hình ảnh những người lao động ở bến sông Hồng từ sắt phế thải và inox gương cùng hai phù điêu phục dựng lại bức "Ngư nghiệp và Nông nghiệp" nổi tiếng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam); Tác phẩm “Nhà nổi” của Lê Đăng Ninh phục dựng cuộc sống dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng; Tác phẩm "Thuyền" của tác giả Vũ Xuân Đông;

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ bãi rác ven sông
Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông bằng những chiếc thùng gỗ. Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu, khoét cửa sổ, tạo thành những chồng nhà nổi. Ảnh: Khánh Huy

Nhờ những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, ý thức của người dân sinh sống nay đã khác. Nếu trước đây, khu vực bên bờ lở sông Hồng được coi là “mặt sau” của thành phố bởi ô nhiễm, thì nay người dân đã không ai vứt rác vào diện tích đó nữa. Họ nói rằng: “Đẹp nên phải gìn giữ”.

Nhân rộng mô hình hay

Nối tiếp thành công của “Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân”, đầu tháng 3-2021, tại tổ 16 phường Phúc Tân ven bờ sông Hồng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, không gian sinh hoạt cộng đồng đã được khánh thành. Từ một khu vực người dân xả rác bừa bãi thì nay đã biến thành một không gian cộng đồng rất thiết thực.

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ bãi rác ven sông
Các em nhỏ có không gian vui chơi tại nơi sinh sống

Có khu vui chơi cho trẻ em với diện tích khoảng 100m2 từ những vật liệu tái chế thân thiện với môi trường như lốp xe, đồ gỗ cũ. Đồng thời, đây cũng là địa điểm hội họp, gặp gỡ và tổ chức các hoạt động chung của người dân tổ 16. Dự án cải tạo do Mạng lưới “Vì Một Hà Nội Đáng Sống” thực hiện.

Một “điểm hẹn nghệ thuật” khác chính là phố bích họa Trúc Bạch được ví như “Hội An thu nhỏ” giữa lòng Hà Nội. Trước đây, tuyến đường ven bờ hồ này là “mặt sau” của 28 hộ dân sinh sống, một điểm tập kết rác thải từ nhiều năm nay. Thậm chí, cuối tuyến đường (cầu Ngũ 2) từ lâu được coi là “nhà vệ sinh công cộng” của khách vãng lai.

Từ thực trạng đó, UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đã lên kế hoạch thực hiện dự án cải tạo môi trường tuyến đường ven hồ này (đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2). Tuyến đường thực hiện dự án có chiều dài 200m, một bên là vườn hoa Trúc Bạch, một bên là dãy nhà ở của 28 hộ dân.

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ bãi rác ven sông
Phố bích họa Trúc Bạch lôt xác với hình ảnh mới (Ảnh Khánh Huy)

Với phương châm “Lấy xây để chống”, trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phần lớn nguồn kinh phí phục vụ dự án đã được “xã hội hoá”, thu hút được đông đảo người dân tham gia đóng góp và chung tay thực hiện.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven hồ Trúc Bạch đã hoàn toàn “lột xác” với hình ảnh đầy sắc màu của 200 chiếc đèn lồng cùng với các bức họa tái hiện không gian phố cổ, văn hóa của người Hà Nội xưa.

Bài 2: “Viên ngọc ẩn” từ bãi rác ven sông
Không gian tràn ngập sắc màu lung linh về đêm. Ảnh: Khánh Huy

Khu vực Ngũ Xá còn được coi là địa điểm ẩm thực với món phở cuốn nổi tiếng thì nay với phố bích họa Trúc Bạch, hứa hẹn sẽ là điểm đặt chân lý tưởng của nhiều du khách.

Người dân tham gia kiến tạo “Thành phố xanh”

Thực tế, các không gian công cộng đã mang tới sự giao tiếp giữa người dân và không gian sáng tạo. Từ các bức tranh nghệ thuật đã thay đổi diện mạo khu phố, tuyến đường, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống.

Nhiều người dân sống quanh khu vực Trúc Bạch cho hay, 20 năm qua, bức tường cũ được ngăn giữa khu vực nhà dân và hành lang ven sông vốn là “điểm đen” tập kết rác thải, ô nhiễm thì nay đã được khoác lên màu áo mới của hơi thở cuộc sống, sáng tạo.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới Vì Một Hà Nội Đáng Sống chia sẻ: “Khi chúng ta nghĩ về không gian công cộng chúng ta hay nghĩ đến công viên, hồ nước, quảng trường hoặc phố đi bộ ở các khu trung tâm thành phố. Chúng ta ít để ý đến các không gian công cộng nhỏ khu ven đô hoặc kẹt giữa khu dân cư. Trên thực tế, các không gian này cần cho các hoạt động giao lưu tập thể, tăng kết nối và gắn kết mọi người với nhau. Nếu được nhà nước đầu tư, chỉnh sửa, cộng đồng tham gia thực hiện và quản lý thì các không gian cộng đồng này sẽ góp phần tạo cơ hội cho người dân thủ đô tham gia kiến tạo thành phố của mình, giúp cho Hà Nội đáng sống hơn cho tất cả mọi người.

Nghệ thuật song hành với nhịp sống hiện đại, việc tìm ra những giá trị mới trong các không gian sáng tạo sẽ tạo nên động lực để phát triển kinh tế sáng tạo, góp phần hiện thực hóa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa – nghệ thuật và một số các không gian sáng tạo khác. Các không gian sáng tạo nghệ thuật cộng đồng được ví như “viên ngọc ẩn” mang trong mình tâm thế đổi mới, sáng tạo.
Bài 1: “Điểm hẹn văn hóa” giữa lòng phố Bài 1: “Điểm hẹn văn hóa” giữa lòng phố

22 năm giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội ngày hôm nay định vị mục tiêu trở thành “Thành phố sáng ...

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động