Bài 1: “Điểm hẹn văn hóa” giữa lòng phố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Điểm hẹn cuối tuần”
Tháng 10-2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình (1999-2019), Hà Nội tiếp tục đón nhận vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế.
Đón nhận cơ hội, Hà Nội xác định không gian sáng tạo là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh "Thành phố sáng tạo" - mục tiêu mà Hà Nội đang vươn tới.
Hiện nay, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều không gian sáng tạo văn hóa, trong đó quận Hoàn Kiếm với các không gian tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian bích họa Phùng Hưng và không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô. (Ảnh: Khánh Huy) |
Tại quận Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng là một địa chỉ văn hóa cuối tuần ấn tượng. Cùng với đó là hàng loạt các không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, phố sách 19/12… Các không gian văn hóa cộng đồng đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng, trở thành đặc sản của mỗi du khách gần xa.
Trong đó, phải kể tới không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Được triển khai thực hiện từ năm 2014, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” của mỗi người dân vào dịp cuối tuần. Bên cạnh hoạt động vui chơi, tại đây còn tái hiện nhiều trò chơi dân gian xuống phố, gắn với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu.
Ngay từ khi thí điểm phố đi bộ Hồ Gươm 2014, với các phương án triển khai đồng bộ của TP Hà Nội đã đảm bảo các điều kiện phục vụ không gian đi bộ như: công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các điểm dịch vụ như nhà vệ sinh miễn phí, y tế, wifi miễn phí, điểm bán uống nước và tủ nước tự động.
Các loại hình nghệ thuật xuống phố (Ảnh: Khánh Huy) |
Qua 6 năm triển khai, tuyến phố đi bộ hồ Gươm và các vùng phụ cận hình thành ý tưởng phân khu các không gian cảnh quan, xã hội tạo giá trị cảnh quan khu vực, nâng cao chất lượng công tác quản lý trật tự đô thị.
Từ công tác đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng quy hoạch cho người dân, thúc đẩy quá trình tham gia quản lý đô thị của người dân, đặc biệt là người dân sống trong khu vực phố cổ.
Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động tạo dựng môi trường, không gian sinh hoạt thương mại, văn hóa, du lịch với phong cách phục vụ văn minh, lịch sự tạo dựng phong cách hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.
Một ấn tượng với người dân là đã tích hợp không gian đi bộ với sân chơi cho học sinh, trẻ nhỏ khu phố từ các trò chơi dân gian và tạo không gian vui chơi cho du khách.
Giới trẻ có thể ngồi thoải mái giữa lòng đường, chơi đồ chơi dân gian gợi nhớ ký ức tuổi thơ. (Ảnh: Vi Giáng) |
Từ con phố với những đường vòm cầu nhếch nhác trước đây, mấy năm nay, phố Bích họa Phùng Hưng đã trở thành điểm “check-in” cho đông đảo người dân và du khách. Lịch sử Hà Nội được tái hiện thông qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại với một phong cách gần gũi hơn.
Phố Bích họa Phùng Hưng lôi cuốn khách du lịch. (Ảnh: Vi Giáng) |
Định kỳ vào mỗi tối cuối tuần, các loại hình nghệ thuật truyền thống xuống phố tạo sự tương tác cao giữa nghệ sĩ và công chúng. Phải kể tới là chương trình biểu diễn Tuồng (Nhà hát Tuồng Việt Nam) vào thứ 6, chủ nhật hàng tuần tại 64 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay sân khấu Kịch Quảng Lạc (Nhà hát Kịch Hà Nội (tại địa chỉ số 8B Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sân khấu được bố trí đơn giản, gần gũi, tăng sự giao lưu, tương tác giữa các nghệ sĩ với khán giả.
Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội NSND Nguyễn Trung Hiếu, sân khấu nghệ thuật giữa lòng phố sẽ là một không gian mới để các nghệ sĩ của Nhà hát biểu diễn phục vụ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn để lan tỏa niềm vui, tình yêu nghệ thuật truyền thống đến đông đảo khán giả Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hà Nội.
Từ “Thành phố hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”
Từ khi tham gia vào mạng lưới “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động theo tiêu chí, lộ trình đã cam kết với UNESCO thông qua nhiều sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội; Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại; Trình diễn văn hóa phi vật thể; Lễ hội đường phố; Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Moonson), “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Cuộc thi thiết kế Km0”, cuộc thi “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám”,…
Thời gian qua, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng triển khai mở rộng phố bích họa Phùng Hưng với dự án “Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND TP Hà Nội.
Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã và đang triển khai mở rộng phố bích họa Phùng Hưng với dự án “Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Vi Giáng) |
Hiện, việc đục thông vòm cầu và chỉnh trang lại không gian bên trong vòm cầu Phùng Hưng đã và đang triển khai. Dự kiến, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tạo không gian công cộng, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ Hà Nội.
Song song với không gian sáng tạo, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa,…Mới đây, cuộc thi thiết kế “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội” đã công bố giải thưởng. Ý tưởng quy hoạch này sẽ là cơ sở để hoàn thiện hoàn thiện đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”, Thành ủy Hà Nội đang triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trên hành trình hội nhập, Hà Nội mang theo niềm tự hào, những giá trị thiêng liêng của lịch sử và khát vọng đổi thay của mảnh đất nghìn năm văn hiến, quyết tâm cao trong thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO xây dựng Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực thiết kế.
Hà Nội có 5.922 điểm di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Hà Nội cũng có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ, trong đó có 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian. Đây là những lợi thế để Hà Nội vươn mình trong hành trình hội nhập, đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”. |
(còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại