Thứ sáu 08/11/2024 07:23
Lớp 12, thích ứng với học và ôn thi tốt nghiệp trong tình hình mới:

Bài 2: Sẵn sàng để thi theo phương án nào cũng không bị động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều Sở GD&ĐT và nhiều trường đã lên kế hoạch phân loại học sinh để ôn thi, tính toán để phương pháp ôn theo nhóm hiệu quả nhất. Đồng thời các Sở cũng chuẩn bị kịch bản: Dù có thể sẽ phải chia thành thi nhiều đợt vẫn đảm bảo học sinh được ôn tập đúng tiến độ, không ảnh hưởng đến quá trình dự thi của các em.

Ôn tập theo nhóm

Với ôn tập tốt nghiệp, cách tốt nhất thời điểm hiện tại là chia nhỏ các nhóm học sinh theo năng lực để có sự ôn tập phù hợp nhất. Một số Sở GD&ĐT đã kịp đánh giá xong học kỳ 2 đối với học sinh lớp 12, và khảo sát học sinh cuối cấp để phân nhóm.

Theo ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác dạy học, kiểm tra đánh giá, thi khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sở cũng chỉ đạo các trường tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học.

Trên cơ sở kết quả thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12, các trường phân loại đối tượng, tổ chức ôn tập sát với từng nhóm đối tượng học sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đối với học sinh yếu cần quan tâm giúp đỡ nhiều; đối với học sinh khá, giỏi cần mở rộng kiến thức ôn thi và tăng cường tự học dưới sự định hướng của giáo viên…

Bài 2: Sẵn sàng để thi theo phương án nào cũng không bị động
Các trường tổ chức ôn tập sát với từng nhóm đối tượng học sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả (Ảnh: hoankiem.edu.vn)

Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, học sinh lớp 12 của Hà Nội phải tạm hoãn đánh giá khảo sát, tuy nhiên, các trường đều căn cứ vào theo dõi học lực của học sinh để phân nhóm ôn tập cho hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Toán Trung tâm GDNN- GDTX huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết: “Thực ra khảo sát đánh giá là để các em có mường tượng trước về điểm để đăng ký nguyện vọng tuyển sinh ĐH. Còn đối với giáo viên thì trong cả quá trình dạy học đã có thể phân loại được học sinh trong lớp, nên khi học trực tuyến, cô sẽ phân nhóm để các bạn học với nhau cho hiệu quả”.

“Như môi trường của tôi, đa phần các em dự thi để xét tốt nghiệp, nên quá trình ôn tập lượng kiến thức nâng cao vừa phải, không có những dạng bài quá khó, nhóm yếu nhất tập trung củng cố kiến thức, nhưng câu hỏi dễ có điểm, nhóm các em học khá hơn sẽ ôn tập những dạng bài để có điểm khá. Giáo viên vất vả hơn trong ra đề, ra bài tập một chút, nhưng như thế thì hiệu quả hơn cho các em” – cô Nguyễn Thị Nguyệt nói.

Không chỉ gọi và trả lời bài qua màn hình máy tính

Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên môn Toán trường THPT Lê Quý Đôn, Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết: Học online sẽ kém hiệu quả nếu cô cứ viết bài trên bảng và gọi học sinh trả lời. Về cơ bản, đối với học sinh lớp 12, các em đã đủ khả năng tự học, ổn định trong lớp nên việc của giáo viên là phải phân loại học sinh, chọn phiếu bài tập giao cho từng nhóm yêu cầu các em làm bài trước và đến giờ sẽ chữa, ưu tiên chữa nhưng câu khó, nhưng câu mà học sinh thắc mắc.

“Tôi thường kiểm tra lại xem học sinh hiểu được đến đâu, nếu trong giờ học trực tuyến tôi chưa hỏi được hết thì sẽ nhắn tin riêng cho từng em. Vì phương pháp học online thực tế giờ không còn là mới mẻ nữa, trong quá trình học, cả cô cả trò đều phải thích ứng tìm ra cách ôn tập tốt nhất. Và tôi có cảm giác là trao đổi online riêng các em mạnh dạn hỏi hơn là học tập trung trên lớp, có thể ở trên lớp, các em ngại bạn bè chăng” – Cô Nguyễn Thị Thảo nói.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch giáo dục và mục tiêu rõ ràng cho từng khối lớp, đặc biệt khối lớp 12. Và khi chuyển sang học trực tuyến, kế hoạch này vẫn được bám sát, lưu ý ôn tập, bổ trợ cho học sinh cuối cấp nhưng không gây quá tải, việc soạn giảng online cũng phải phù hợp với năng lực học tập của các em.

Không còn bỡ ngỡ với các tình huống bất ngờ

Từ các địa phương và các trường, việc học tập online và chuẩn bị thi theo kịch bản khác nhau cũng được dự báo và chuẩn bị từ đầu năm.

Bài 2: Sẵn sàng để thi theo phương án nào cũng không bị động
Bộ GD&ĐT đang cùng các địa phương chủ động các phương án để tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19 (Ảnh: Khánh Huy)

Ông Trịnh Văn Mừng – Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Để việc dạy và học trực tuyến ở các nhà trường thực sự hiệu quả, Sở đã chỉ đạo các nhà trường rà soát số lượng học sinh có phương tiện đáp ứng học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc hình thức khác để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp. Đặc biệt, Sở yêu cầu giáo viên tăng cường phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ và giám sát học sinh học tập. Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến.

Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Theo kế hoạch, sau khi bế giảng toàn trường thì nhà trường vẫn tổ chức ôn tập trực tiếp cho HS khối 12 cho đến sát ngày dự thi tốt nghiệp THPT. Và năm học trước, học sinh của Quảng Nam cũng đã phải thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2, khi dịch bệnh bùng phát, nên năm học này, Sở không bất ngờ với các phương án thay thế.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Bộ GD&ĐT, thì Bộ GD&ĐT đã tính đến các kịch bản của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Và thực tế là không phải việc này chưa từng có tiền lệ. Tùy diễn biến tình hình dịch bệnh, Bộ sẽ cân nhắc có thêm đợt thi nếu cần.

Trước mắt, địa phương, nhà trường thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch; tổ chức dạy học, ôn tập với hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Chủ động xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19 Chủ động xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản về việc tổ chức ôn tập đối với học sinh lớp 12, chuẩn bị cho ...

Chính thức cho phép dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp Chính thức cho phép dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa chính thức ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học ...

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động