Thứ bảy 23/11/2024 08:02
Những cảnh nghèo trong dịch Covid-19:

Bài 2: Nhóm công nhân 40 người ở 1 căn nhà bỏ hoang

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi ngày được chủ thầu hỗ trợ 30 nghìn/ngày, những công nhân xây dựng đang trọ tại khu biệt thự bỏ hoang, thuộc Khu đô thị An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đang gắng gỏi chờ đến ngày được quay lại công việc. Thiếu thốn trăm bề, có quê cũng chẳng dám về. Bởi có về lại mắc thêm phí đi cách ly…

Đã gần 1 tháng nay, khu nhà bỏ hoang dang dở ban ngày mới đông đúc người đến vậy. Bởi các công trình tạm thời ngừng xây dựng, nên những công nhân đang sống ở đây mới có mặt ở nhà, chứ bình thường thì cặm cụi trên công trường, có chăng cũng chỉ ầm ĩ buổi tối…

Bài 2: Nhóm công nhân 40 người ở 1 căn nhà bỏ hoang
40 công nhân ở một căn nhà tại Khu đô thị An Khánh

Trò chuyện với phóng viên, anh Đổng Văn Hoàn (sinh năm 1990, dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết, khu nhà này là do chủ cai thầu thuê cho nhóm công nhân các anh ở. Căn nhà anh ở có tới trên dưới 40 công nhân cùng sinh sống ở khắp các tỉnh, miền. Yên Bái, Nam Định, Sơn La, Điện Biên... Căn hộ mới xây thô, hiện chỉ sử dụng được 2 tầng nên anh em chia nhau 20 người tầng trên, 20 người tầng dưới. Tầng 2 nơi anh và vợ ở, cũng có 5 cặp vợ chồng cùng làm công nhân xây dựng ở chung.

Kể về hoàn cảnh của mình, anh Hoàn cho biết, cách đây hơn 1 năm, do ở nhà làm nương không đủ ăn, anh và vợ đã theo anh em cùng bản, xóm lên Hà Nội làm công nhân. Công trường anh xây dựng ngay ở Đại Mỗ, Tây Mỗ, còn vợ thì ở nhà trọ để nấu ăn cho nhóm công nhân ở khu nhà ấy. Cách đây 2 tháng, do học sinh nghỉ hè, ông bà già yếu không chăm được cháu, nên anh bàn với vợ đón luôn hai cháu lên ở cùng bố mẹ. Vừa thuận tiện cho việc trông nom con cái, lại coi như cho bọn trẻ đi chơi…

Vậy là cả gia đình 4 nhân khẩu chung sống với nhau với những người công nhân khác. Không gian riêng của cả nhà đó chỉ là một mảnh chiếu trải xuống nền nhà. Với những người công nhân như anh đơn giản lắm, cái sàn nhà rộng chừng 70, 80 m2 ấy ai cũng như nhà anh, chỉ cần 1 manh chiếu, trải xuống là xong. Mỗi cặp vợ chồng tạo không gian riêng bằng cách dùng những tấm ri đô mỏng che chắn. Đa phần còn trẻ, sức dài vai rộng, tuy nhiên ngày đi làm cũng đã kiệt sức, nên những khoảng không gian tưởng chừng thiếu riêng tư ấy cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến những người công nhân cần nhất một giấc ngủ ngon như các anh.

Anh Hoàn cho biết, những ngày còn làm việc tại công trường, anh được cai thầu trả công 250 nghìn/ngày. Ngày nào đi làm chấm công ăn lương ngày ấy, nghỉ làm thì công không. Còn vợ anh thì được 200 nghìn/ngày công. Nếu việc đều, không nghỉ ngày nào vun vén thì cũng dư ra 1, 2 triệu để gửi về cho ông bà ở quê.

Còn từ khi Hà Nội giãn cách, chủ thầu hỗ trợ mỗi ngày 30 nghìn, có nghĩa cơm chỉ có rau, có mắm.

“Nghe 30 nghìn thì có vẻ ổn, nhưng còn là mắn, muối, dầu ăn, bột giặt, giấy vệ sinh… Khéo vun vén lắm với sức ăn của công nhân cũng chỉ có thể đủ no.” – anh Hoàn nói. Bọn trẻ sắp vào năm học rồi, cũng không biết đưa con về kiểu gì, mà có về được, cũng chẳng có tiền để mà cho con đi cách ly.

“Hai đứa từ Hà Nội về, theo yêu cầu phải cách ly tập trung, tự trả phí 15 ngày. Như vậy là 3 triệu, mà đâu có thể để hai đứa trẻ về mình đâu, lại kèm người lớn phải theo về. Mà trong tình cảnh này, lấy đâu ra tiền để mà cách ly… Vậy nên hai đứa trẻ cũng kẹt luôn trên này.”

Chị Hà Thị Nguyên (Yên Bái) cũng cho biết, nhóm công nhân như chị ở đây cũng vẫn may mắn được quan tâm nên cũng có phiếu đi chợ. Tuy nhiên, có phiếu đi chợ rồi, nhưng chị vẫn phải… đi trốn. Lý do bởi do nhóm chị ở thuộc địa bàn xã An Khánh (Hoài Đức), mà chợ An Khánh đồ ăn rất đắt đỏ, nên chị phải sang chợ La Cả (Hà Đông) để mua rau, gạo. “Mỗi người chỉ có 30 nghìn/ngày, nên nếu không tiết kiệm từng đồng thì không đủ cho 40 người ăn” – chị Nguyên cho biết.

Cuộc sống vốn chen chúc, khốn khó, nhưng dù sao những ngày được làm việc cũng dễ thở và nhanh trôi hơn. Chứ những ngày giãn cách, cả 40 người đều tề tựu trong cái không gian nhỏ hẹp thế này, thiếu thốn trăm bề khiến không ít người trong nhóm chị mệt mỏi. Về không được, ở lại cũng không xong… hơn ai hết, chị mong nhanh khống chế được dịch bệnh. Để con chị có điều kiện về tiếp tục học, để vợ chồng chị tiếp tục tảo tần kiếm tiền chi trả cuộc sống…

(Còn nữa)

Bài 1: Gia đình nghèo 6 người không ai có thu nhập Bài 1: Gia đình nghèo 6 người không ai có thu nhập
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động