Thứ sáu 26/04/2024 16:24
Du lịch Hà Nội “cất cánh” cùng SEA Games 31:

Bài 2: Cần nhiều “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi du khách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã từng nhận định, nhắc tới Thủ đô hiện tại, du khách trong và ngoài nước sẽ chỉ nghĩ tới những di tích nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột... Đã tới lúc Hà Nội thực sự cần một “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi khách du lịch, níu chân họ ở lại, trải nghiệm và quay lại nhiều lần sau đó.
Bài 2: Cần nhiều “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi du khách
Điểm đến du lịch phải là nơi mà du khách có thể tận hưởng từ di tích văn hóa đến hoạt động làng nghề, từ vui chơi, ẩm thực đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, một nơi không có giới hạn về thời gian

Kinh tế đêm – tiềm năng lớn

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, điểm đến du lịch phải là nơi mà du khách có thể tận hưởng từ di tích văn hóa đến hoạt động làng nghề, từ vui chơi, ẩm thực đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, một nơi không có giới hạn về thời gian, ngay cả khi đêm xuống vẫn có thể thỏa sức khám phá và tận hưởng nhiều hoạt động phong phú.

Trên thực tế, tiềm năng phát triển kinh tế đêm ở Thủ đô rất lớn, bắt đầu từ những nhu cầu thực tế của nền kinh tế nói chung và cả ngành du lịch nói riêng. Đó là nhu cầu phát triển du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách hơn. Đó là nhu cầu của khách du lịch đến từ nhiều nơi mong muốn có một cơ hội tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán vùng miền…

Hà Nội có bề dày nghìn năm văn hiến thế nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, những điểm đến du lịch của Hà Nội tuy là “đặc sản” nhưng đã quá quen thuộc. Nhắc tới Thủ đô hiện tại, du khách trong và ngoài nước sẽ chỉ nghĩ tới những di tích như Chùa Một Cột, Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Khi đêm về, sẽ chỉ là dạo bộ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, lên phố “Tây” Tạ Hiện, phố đi bộ Hàng Đào- Đồng Xuân.

Đã tới lúc Hà Nội thực sự cần một “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi khách du lịch, níu chân họ ở lại, trải nghiệm và quay lại nhiều lần sau đó. Đó phải là nơi mà du khách có thể tận hưởng từ di tích văn hóa đến hoạt động làng nghề, từ vui chơi, ẩm thực đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, một nơi không có giới hạn về thời gian, ngay cả khi đêm xuống vẫn có thể thỏa sức khám phá và tận hưởng nhiều hoạt động phong phú.

Kinh tế đêm phải được phát triển một cách đa dạng và phải có tính riêng biệt theo từng vùng miền, gắn bó với bản sắc dân tộc của từng địa phương trong một đất nước, và thậm chí là đa dạng cả văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới để thu hút khách du lịch từ các quốc gia đó.

Du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ sẽ nằm ở khung giờ tối đến đêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có đột phá ở các dịch vụ đêm thì rất khó khai thác được tiềm năng kinh tế đêm.

Phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội không thể không nhắc tới quận Hoàn Kiếm, kinh tế đêm đã hình thành ở địa bàn quận từ nhiều năm nay với các loại hình như không gian đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà, ngoài đường phố... vào ban đêm.

Một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hoàn Kiếm. Có thể kể tới, phố ăn đêm Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ, đây là điểm đến ấn tượng phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước.

Qua triển khai, chất lượng an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố được nâng cao, thu hút khách du lịch, nhất là thời điểm sau 18g hằng ngày. Tuy nhiên, tuyến phố cũng có những hạn chế về chất lượng thực phẩm, việc dừng đỗ xe lộn xộn gây mất mỹ quan…

Bài 2: Cần nhiều “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi du khách
Dù đã thực hiện nhiều năm, nhưng nền kinh tế đêm mới chỉ dừng ở mức ăn uống, hay mua sắm. Để ngành du lịch đêm phát triển, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách

UBND quận Hoàn Kiếm cũng chỉ ra những hạn chế đòi hỏi phải cải thiện. Đó là các hoạt động kinh tế đêm hiện nghèo nàn, đơn điệu, chỉ tập trung vào hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như tham quan di tích lịch sử, văn hóa (đền, chùa…) chưa thực sự phát triển.

Cùng với thời điểm trình kế hoạch phát triển kinh tế đêm, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm một số cơ sở kinh doanh tại quận tham gia đề án kinh tế đêm được mở cửa đến 2g sáng hôm sau. Tuy nhiên, ngay cả việc kinh doanh đến 2g sáng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Số lượng cơ sở đăng ký tham gia còn ít chủ yếu mới tập trung vào các loại hình quán bar, karaoke.

Nguyên nhân là do chỉ tổ chức 2 ngày trong tuần nên chưa hình thành đội ngũ lao động chuyên về ban đêm, các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong việc bố trí nhân viên làm thêm giờ. Sau 0g, lượng khách chủ yếu tập trung ở khu vực phố cổ và một số loại hình giải trí (bar, karaoke) nên chưa thu hút được các cơ sở kinh doanh tại khu vực khác, loại hình khác tham gia thí điểm.

Cần những đột phá lớn

Dù đã thực hiện nhiều năm, nhưng nền kinh tế đêm mới chỉ dừng ở mức ăn uống, hay mua sắm. Để ngành du lịch đêm phát triển, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách. Việc phát triển được hay không phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của du khách, chứ không phải tư duy của nhà quản lý.

Việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu của phát triển du lịch. Vì vậy, tổ chức triển khai thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện thúc đẩy tăng trưởng du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ đột phá, cần tập trung triển khai trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội. TP Hà Nội cũng xác định, việc phát triển kinh tế ban đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh một quận Hoàn Kiếm đi đầu của TP để cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, quận Tây Hồ cũng có kế hoạch phát triển kinh tế đêm với: Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn. Kể từ khi quận Tây Hồ triển khai Đề án “Không gian biểu diễn, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” nhận được sự quan tâm của người dân, khách du lịch và trở thành không gian đi bộ mới sau khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Quận Hai Bà Trưng hiện đã có chủ trương để xây dựng Đề án hình thành tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang.

Bài 2: Cần nhiều “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi du khách
Việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu của phát triển du lịch. Ảnh: Khánh Huy

Đối với quận Long Biên, thời gian gần đây, khu phố ẩm thực Ngọc Lâm thu hút khách có nhu cầu về ẩm thực tới trải nghiệm và trở thành lựa chọn mới cho người dân Hà Nội về ăn uống. Riêng tại huyện Đông Anh- đây là mảnh đất của văn hiến, lịch sử, với những di tích lịch sử quốc gia (Cổ Loa, đền Sái, khu sinh thái Cọ Xanh, vườn Xoài, làng nghề chạm khắc gỗ Liên Hà, nghệ thuật ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục...).

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - một thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Đông Anh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 6 không gian du lịch, trong đó Đông Anh là một trong những vùng du lịch trọng điểm.

Kinh tế ban đêm đã được nhen nhóm phát triển ở Hà Nội và bước đầu đem đến những lợi ích nhiều mặt, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, kinh tế ban đêm ở Hà Nội mới chỉ tận dụng được những cái sẵn có mà chưa nâng tầm và khai thác được “tiềm năng vàng”.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn đơn điệu, chưa thực sự tinh xảo, mang lại giá trị kinh tế chưa lớn. Một số hoạt động còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, gắn với bộ máy chính quyền, kèm các quy chế liên quan.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, việc khai thác lợi thế kinh tế ban đêm vẫn còn khiêm tốn. Sau khi Covid-19 đỡ căng thẳng, quận Hoàn Kiếm đã mở cửa các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực, sắp xếp các chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp với từng không gian nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Song nhìn rộng ra các quận, huyện khác, hệ thống di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng như phủ Tây Hồ, núi Tản Viên, các làng nghề, làng hoa… đều có thể xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Theo các chuyên gia, du khách chưa “hứng thú, si mê” với du lịch đêm Hà Nội còn bởi việc tổ chức chưa chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ nhất quán về quản lý. Điển hình như quanh khu vực tổ chức phố đi bộ "mọc" lên những bãi gửi xe tự phát với giá trông xe “trên trời”; dịch vụ xích lô, ăn uống nhiều khi còn để xảy ra tình trạng "chặt chém"...

Cũng vì quản lý thiếu chặt chẽ nên việc thất thu thuế là khó tránh khỏi. Việc ùn tắc giao thông tại các tuyến phố vào trung tâm thành phố vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào tối cuối tuần hay khi có sự kiện, lễ hội lớn. Bên cạnh đó là vấn đề tiếng ồn, bán hàng rong, xả rác bừa bãi…

(Còn nữa)

Bài 1: Thời cơ vàng Bài 1: Thời cơ vàng

SEA Games 31 được đánh giá là “cơ hội vàng” cho ngành du lịch Thủ đô khởi sắc. Nắm bắt thời cơ, công tác chuẩn ...

Thái Phương - Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động