Bà nội tiêm thuốc chuột vào sữa đầu độc cháu đối diện với hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thông tin ban đầu, ngày 13-7, BV Nhi Thái Bình tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân L.T.D.M., SN 16-9-2019 do gia đình ở xã Tân Bình, TP Thái Bìn, tỉnh Thái Bình chuyển đến trong tình trạng nguy kịch. Sau 2 ngày theo dõi và điều trị, bệnh tình của bệnh nhi không thuyên giảm mà có xu hướng nặng hơn. Ngày 15-7, BV Nhi Thái Bình đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để cấp cứu.
Tại BV Nhi Trung ương, trong quá trình cấp cứu, điều trị và làm xét nghiệm cho cháu M., kết quả cho thấy trong mẫu xét nghiệm của bệnh nhân có chất độc (ban đầu được xác định là thuốc diệt chuột). Phía BV Nhi Trung ương đã báo cho CA quận Đống Đa, Hà Nội đến để phối hợp tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.
Phòng khám riêng của bà Chử Thị Mỹ Lệ ở xã Tân Bình, TP Thái Bình |
Bước đầu, CQĐT đã triệu tập đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ, SN 1969, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình, là bà nội của bệnh nhi đến làm việc. Tại CQĐT, bà Chử Thị Mỹ Lệ thừa nhận đã 2 lần bơm thuốc diệt chuột (một lần ở nhà và một lần khi cháu M. đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình) vào sữa cho cháu uống, phần còn lại của ống thuốc diệt chuột dạng nước, đối tượng đang cất giữ ở nhà.
Sau kết quả điều tra bước đầu, CQĐT CA quận Đống Đa đã chuyển hồ sơ về CATP Thái Bình để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Tối 1-8, CATP Thái Bình đã di lý đối tượng về Thái Bình và tiến hành khám xét nhà ở của đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ, nơi bà Lệ mở một phòng khám. Khám nhà bà Lệ ở xã Tân Bình, TP Thái Bình, CQCA thu một lọ thuốc diệt chuột dạng nước đang sử dụng dở mà đối tượng khai đã dùng để đầu độc cháu bé.
Liên quan đến vụ việc, ngày 4-8 đại diện UBND xã Tân Bình cho biết, cháu bé sinh non, khi sinh đã mang bệnh bại não và hở hàm ếch nên ốm yếu, gia đình thường xuyên phải đưa cháu đi viện điều trị. Sau khi bị bà nội đầu độc, hiện cháu vẫn đang được cấp cứu tích cực tại BV Nhi Trung ương. Được biết, bà Lệ đang là bác sĩ công tác tại BVĐK huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và cũng có mở một phòng khám tư tại xã Tân Bình.
Luật sư Phạm Quang Xá cho rằng, hành vi của bà Lệ đã cấu thành tội "Giết người" |
Về mặt pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá (Cty Luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình về trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu sau này.
Theo luật sư Phạm Quang Xá, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần, vì vậy cần được yêu thương bù đắp nhiều hơn. Nếu bà bác sĩ giết cháu với tư tưởng “thấy hỏng thì bỏ” thì quá đáng sợ bởi sự thực dụng đến tàn nhẫn, không còn nhân tính. Đứa trẻ là sinh mệnh, mà máu thịt chứ đâu phải đồ vật vô tri mà tính toán thiệt hơn như vậy?
Đáng lẽ, với lương tâm trách nhiệm của người bác sỹ là thầy thuốc cứu người và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại đang tâm sát hại cháu để cho rằng cứu giúp gia đình thoát khỏi gánh nặng phải chăm sóc trẻ không hoàn thiện về thể chất và tinh thần và giải thoát cho cuộc đời cháu.
“Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.
Hiện vụ việc đang được CQCSĐT CATP Thái Bình tiếp tục điều tra làm rõ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại