|
Những bộ áo dài mang nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc |
Triển lãm "Áo dài trên con đường di sản" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đồng thời tại chương trình sẽ diễn ra lễ trao tặng 200 bộ áo dài của 20 NTK cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022) và hưởng ứng hoạt động ý nghĩa tôn vinh tà áo dài của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đến dự chương trình có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều NTK nổi tiếng như: NTK Minh Hạnh, NTK Hoài Nguyễn, NTK Trần Thanh Mẫn, NTK - hoa hậu Ngọc Hân, NTK Cao Minh Tiến, vợ của NTK Chu La, NTK Giang Đoàn, NTK Phương Thảo, NTK Trần Thiện Khánh,...
|
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |
Triển lãm giới thiệu 200 bộ áo dài được thiết kế với nhiều hình ảnh di sản thiên nhiên, văn hóa Việt thông qua các bộ sưu tập tiêu biểu như: “Cánh buồm Quảng Ninh"; “Vịnh Hạ Long”; “Thổ cẩm dân tộc Tày, Dao”; “Nụ cười biển”; “Kim cương đen”; “Phong Nha - Kẻ Bàng”; “Rừng trúc Yên Tử”; “Nét đẹp kiến trúc Hạ Long”…
Điểm nhấn của các bộ áo dài chính là các nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu lụa Vietnam silk house và vải gai AP để sáng tạo. Đây cũng là cách riêng để tôn vinh giá trị nghệ thuật truyền thống.
Các bộ sưu tập áo dài trưng bày trên giá tre, được bảo tàng thiết kế riêng để tôn vinh nét đẹp văn hóa thuần Việt, tạo nên một tổng thể triển lãm hài hòa mang đậm giá trị nhân văn trong cuộc sống, bắc cầu di sản văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng.
|
BTC tri ân những đơn vị góp phần vào thành công của Triển lãm |
Chia sẻ tại Triển lãm, NTK Minh Hạnh cho biết: “200 bộ áo dài được trưng bày tại Triển lãm được lấy ý tưởng từ nhiều tỉnh, thành phố, các di sản, chống dịch Covid-19,… Đặc biệt là từ chiến dịch của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đó là chiến dịch “Áo dài phải trở thành di sản của thế giới”. Đây là một tiến trình rất gian nan, muốn làm được điều đó, trước tiên áo dài phải được trở thành di sản văn hóa phi vật thể hoặc vật thể của Việt Nam. Áo dài cùng với lụa, vải gai truyền thống của Việt Nam kết hợp với nhau sẽ mang lại giá trị rất lớn, bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam cũng như những nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.
NTK Minh Hạnh cũng chia sẻ sang năm 2023, các NTK sẽ trao tặng 1000 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đầu tháng 5/2023, NTK Minh Hạnh cùng các đơn vị sẽ đưa tơ lụa Việt Nam sang Como - thành phố tơ lụa bậc nhất của Ý.
|
NTK Minh Hạnh chia sẻ tại Triển lãm |
NTN Cao Minh Tiến cũng mang đến bộ sưu tập áo dài "Hy vọng" lấy cảm hứng từ phong trào chống dịch Covid-19. Đó là cảm hứng biết ơn và hy vọng, nhằm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, là những “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Những câu chuyện, hình ảnh của những y bác sĩ ngày đêm hy sinh sức khỏe, sự an nguy của bản thân, đời sống cá nhân của mình túc trực nơi tuyến đầu cứu chữa, chăm sóc cho người bệnh,... khiến Cao Minh Tiến rất xúc động. Vì vậy, anh đã ấp ủ thực hiện bộ sưu tập này, với mong muốn ghi lại những ấn tượng khó quên ấy lên trang phục áo dài.
"Với mỗi lần làm bộ sưu tập nào đó, Tiến luôn đưa vào đó những tình cảm của mình. Bộ sưu tập "Hy vọng" muốn đề cao sự hy sinh của những "chiến sĩ áo trắng" tham gia chống dịch vừa qua. Đây là đề tài rất khó, đã phải trăn trở rất nhiều. Hình ảnh Covid-19 không mấy đáng yêu, không mấy yêu thích nhưng mình muốn làm để tôn vinh những hình ảnh đẹp nhất của các y, bác sĩ và mang những điều đó đến với những người yêu thời trang, yêu áo dài", NTK Minh Tiến chia sẻ.
Với NTK - hoa hậu Ngọc Hân, cô mang đến bộ sưu tập "Các di tích quốc gia đặc biệt". Ngọc Hân quyết định mang cảnh đẹp của các di tích nổi tiếng vào áo dài. Cô mong muốn mọi người có thể cảm nhận được những giá trị mà áo dài mang đến. Đó không chỉ là văn hóa, nó còn là cảnh đẹp, là câu chuyện, những sắc màu cuộc sống thông qua tình cảm, tư duy của các NTK.
|
NTK - hoa hậu Ngọc Hân mang đến bộ sưu tập "Các di tích quốc gia đặc biệt". |
Nhiều năm qua, mới mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị tà áo dài truyền thống, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và các NTK áo dài đã cùng đồng hành tổ chức nhiều sự kiện để tôn vinh giá trị văn hóa Việt như sự kiện “Áo dài của chúng ta” năm 2014; “Xuân Canh tý: Áo dài và hoa” năm 2020;…
Triển lãm “Áo dài trên con đường di sản” sẽ tiếp tục kết nối các trái tim say mê tình yêu với di sản và phụ nữ Việt Nam.
Sau triển lãm, các NTK trao tặng toàn bộ những tác phẩm áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần tiếp tục phát huy giá trị về văn hóa, lịch sử về người phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới.
|
Vợ của NTK Chu La xúc động khi nói về hành trình gia đình bà đến và gắn bó với Việt Nam. Áo dài cũng chính là thứ gắn kết gia đình NTK Chu La với Việt Nam nhiều năm nay. |
|
NTK Trần Thiện Khánh xúc động khi bộ sưu tập của mình được trưng bày tại Triển lãm |
|
Không gian trưng bày 200 bộ áo dài của 20 NTK |
|
Đề tài của các bộ sưu tập rất phong phú |
|
Mỗi bộ sưu tập là tình cảm đong đầy của các NTK, muốn lan tỏa tình yêu áo dài, văn hóa, con người Việt Nam đến với mọi người |
|
Những tà áo dài rực rỡ sắc màu |
|
Bộ sưu tập "Hy vọng" của NTK Cao Minh Tiến |
|
Một số bộ áo dài của bộ sưu tập "Bộ đội giúp dân" |
|
Ngọc Hân và nghệ nhân làng lụa đũi của Thái Bình |
|
Triển lãm thu hút nhiều nhiều người làm việc trong lĩnh vực thời trang, yêu thích áo dài |