Thứ hai 25/11/2024 07:09

5 giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ TP Hà Nội ngày 12-10, Ban Cán sự đảng UBND TP đã đề xuất 5 nhóm giải pháp chính để huy động các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển của TP.

Đại diện Ban Cán sự đảng UBND TP tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ sự thống nhất cao với phương hướng phát triển Thủ đô được nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội.

Nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò rất quan trọng, đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển kinh tế Vùng và cả nước” có ý nghĩa quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong bối cảnh tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước ngày càng giảm trong tổng vốn đầu tư xã hội, thành phố cần tập trung huy động tất cả các nguồn lực từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, dân cư, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kêu gọi vốn ODA... để thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

Tại Đại hội, Ban Cán sự đã đề ra 5 giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô, trong đó, giải pháp chung xuyên suốt là đẩy mạnh cải cách TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và các dự án sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; phát huy yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, để Hà Nội xứng đáng với vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế Vùng và cả nước.

5 giai phap huy dong nguon luc phat trien kinh te thu do
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày tham luận tại Đại hội.

Cán bộ, công chức phải tiên phong, nêu gương từ cuộc sống đời thường

Trình bày tham luận về "Công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức Đảng bộ TP Hà Nội", đồng chí Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nêu: Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng công tác tư tưởng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”.

Sau hơn 4 năm nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 18-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); Đảng bộ Hà Nội đã triển khai và cụ thể bằng chủ đề công tác hằng năm.

“Việc triển khai thực hiện các nội dung này của Thành ủy đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đã phát huy được vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên-nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, CCHC, chống tham nhũng, lãng phí; trên cơ sở đó từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, tồn đọng của TP”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhận định.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, hơn 4 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Hà Nội không dừng ở thức tỉnh, nhắc nhở từng người, từng tổ chức mà quan tâm nhiều hơn đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi đơn vị. Đã xuất hiện hàng nghìn gương tiêu biểu người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước tại tất cả các địa phương, đơn vị trên địa bàn thủ đô.

Bên cạnh đó, chương trình CCHC, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường ngày càng chuyển biến tốt hơn; Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng chuyển biến tích cực…

5 giai phap huy dong nguon luc phat trien kinh te thu do
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trình bày tham luận tại Đại hội

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và sự chỉ đạo của Thành ủy, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đảm bảo an sinh xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu đầy đủ các nội dung, giải pháp về công tác xây dựng Đảng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức Thủ đô hướng tới xây dựng Đảng bộ Hà Nội thực sự là đảng bộ gương mẫu, tiêu biểu của cả nước, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, của tổ chức, tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân.

“Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; từ sự nêu gương giữa đời thường; từ ý thức tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ thái độ kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), nâng cao ý thức, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Cùng đó, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, tự hào với truyền thống lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hơn lúc nào hết cần phát huy ý thức và tinh thần trách nhiệm của mình, tự giác, cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, những tấm gương, hành vi đẹp trong cuộc sống bình dị hàng ngày; đồng thời kiên quyết đấu tranh phê phán những cái xấu, những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, chuẩn mực xã hội để Hà Nội trong mắt người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mỗi ngày một đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình, TP sáng tạo.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động