Khoa học công nghệ phải trở thành nhiệm vụ cấp thiết, bắt buộc trong mọi ngành, lĩnh vực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiều 12-10, tại phiên làm việc buổi chiều của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, tham luận về nội dung “Tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, nguồn lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nêu rõ: Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiệm kỳ tới đây và những năm tiếp theo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Nêu một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực KHCN của TP, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, hoạt động KHCN của TP còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; nhiều tiềm lực KHCN trên địa bàn chưa được khai thác, đưa vào sử dụng thực sự hiệu quả; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường KHCN…
Theo Giám đốc Sở KH&CN, để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. KHCN phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, bắt buộc trong mọi ngành, lĩnh vực, trong đời sống kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.
Mỗi cấp, ngành cần xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án… cụ thể về ứng dụng, phát triển nhanh KHCN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình.
Nhóm giải pháp được đưa ra gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Trong đó, cần quan tâm có những chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ các công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương cho phép Hà Nội thử nghiệm một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, thử nghiệm các mô hình mới, sản phẩm, thiết bị mới, triển khai một số mô hình kinh doanh mới..
Giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo như có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức-nhất là các nhà khoa học, chuyên gia về công nghệ cả trong nước và quốc tế. Cùng đó, phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư xã hội cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội không thấp hơn 1% GRDP, trong đó chú trọng vào nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; Ưu tiên rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất phục vụ phát triển hạ tầng KHCN; bổ sung một số dự án phát triển tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TP...
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những khâu đột phá |
Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy
Trình bày tham luận về kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Trung ương (khóa XII), đồng chí Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nêu rõ: Nhận thức sâu sắc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một đòi hỏi khách quan, là chủ trương đúng của Đảng và hết sức cần thiết với thực tiễn Thủ đô. Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW bài bản, quyết liệt, thận trọng.
“Đến nay có thể nói, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18/NQ-TW, 19-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, được Trung ương và dư luận đánh giá cao”, đồng chí Vũ Thu Hà cho biết.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW, đến năm 2021 giảm đầu mối bên trong, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế tối thiểu 10% so với năm 2015. Đến nay, TP hoàn thành vượt chỉ tiêu về giảm số phòng thuộc Sở (29%), giảm số đơn vị sự nghiệp công lập (10,4%), giảm thôn, tổ dân phố (34%). Hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế công chức. Tiết kiệm ngân sách chi lương đối với 18.403 biên chế, chi phụ cấp chức vụ đối với 471 lãnh đạo quản lý. Bộ máy hoạt động tinh gọn, giảm nhiều khâu trung gian, giải quyết kịp thời nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, TP tiến hành quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 23 Sở, 12 phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành.
Hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm. TP tập trung xây dựng và hoàn thành đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Sau gần 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, toàn TP đã có 646 trường hợp phải thay đổi theo vị trí việc làm, trong đó: 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm; 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế; 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày tham luận tại Đại hội chiều 12-10 |
Đến nay 100% cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức theo đúng khung năng lực xây dựng (bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm công tác, khả năng đáp ứng công việc...); công tác bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… đúng theo vị trí việc làm, bước đầu đã phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của từng cán bộ; công tác tham mưu chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được nâng cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội ban hành kịp thời các Quy chế, quy trình thủ tục giải quyết công việc. Qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW và 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền TP đã khắc phục cơ bản tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả; tổ chức bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét; được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong giai đoạn 2015-2020.
Phát huy dân chủ là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới
Tham luận về kết quả và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2016-2020, đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng chia sẻ: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 2015, huyện xác định khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa có điểm dừng, vì vậy mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, TP về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Chỉ đạo UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, tập trung vào những nội dung trọng tâm gồm: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô;
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí đã huy động trong cả nhiệm kỳ là 2.482,994 tỷ đồng (Ngân sách là 2.251,171 tỷ đồng, doanh nghiệp 137,147 tỷ đồng, xã hội hóa và nhân dân đóng góp 94,676 tỷ đồng) để xây dựng các tuyến đường liên xã. Đầu tư xây mới và nâng cấp thêm 65 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số nhà văn hóa thôn, cụm dân cư toàn huyện hiện nay là 119/120 nhà; triển khai lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại 69 điểm vui chơi ở các thôn, xóm... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân luyện tập thể dục, thể thao.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển các ngành nghề, tạo mặt bằng sản xuất, nâng cao thu nhập người dân Huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, rau hữu cơ, nấm với tổng diện tích là 52ha, diện tích nhà màng lưới 60ha…
Bí thư huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải tham luận về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới |
Bí thư huyện ủy Đan Phượng cho biết, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ huyện Đan Phượng đã rút ra một số kinh nghiệm, đó là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước, tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng, kiên trì với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân.
Phát huy dân chủ là chìa khóa, là động lực cho phát triển, muốn vậy phải công khai, minh bạch trong tất cả các khâu-nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực đóng góp từ nhân dân. Phát huy vai trò làm chủ của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Quan tâm đầu tư cho phát triển theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong chỉ đạo cần lựa chọn các khâu đột phá, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng đó, cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết, vì dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại