"Xe vua" ở Hải Dương - Kỳ 2: Giáp mặt cán bộ Thanh tra giao thông và "trùm cò"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên"Xe vua" ở Hải Dương - Kỳ 1: Lá bùa hộ mệnh mang tên “KT” |
Tiếp cận "cò" làm luật cho xe quá tải
Trong khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người dân Hải Dương không lạ gì hình ảnh của chiếc logo “TT” trên những chiếc xe tải. Loại logo TT phổ biến nhất thời điểm đó là các địa bàn Chí Linh; Kinh Môn; Nam Sách; Kim Thành và TP Hải Dương.
Những chiếc logo in chữ "TT" màu đen trên khổ giấy A4 trắng, có đóng 2 dấu đỏ mang tên Cty CP Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Phú. Tra cứu thông từ Tổng cục thuế, Cty CP Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Phú đã ngừng hoạt động từ đầu năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa làm thủ tục giải thể.
Theo một lái xe tải ở huyện Nam Sách thì những địa bàn này là ven của QL18 và QL5, trên trục đường lưu thông qua lại với tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Đây là nơi tập trung nhiều loại xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng, bê tông, than... và có nhiều bến bãi vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông, các khu san lấp mặt bằng… phổ biến các loại xe trọng tải từ 1,5 đến 20-30 tấn… Điều đó khiến lượng xe tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải trên những địa bàn này rất nhiều.
Những chiếc xe tải dán logo "TT" từng "náo loạn" ở Hải Dương |
Tiếp cận nhiều lái xe đang sở hữu những chiếc logo "TT", hầu hết đều khẳng định việc mua logo "TT" không khó. Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý muốn được mua một số logo để dán cho dàn xe tải của gia đình mới nhận được đơn hàng chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương, họ đều nhận “mua giúp” chứ không muốn dẫn đường. Có thể với cách này, người làm dịch vụ mua logo sẽ kiếm được một khoản tiền chênh lệch?!
Một lái xe ở Nam Sách ra giá với PV: “Để có mỗi chiếc logo đó thì phí ban đầu anh phải nộp là 6 triệu đồng. Nếu xe chở đất, đá, cát… thì phải nộp thêm mỗi tháng 3 triệu đồng; Còn xe anh chở than thì nộp mỗi tháng 5 triệu đồng. Tất cả đều phải nộp tối thiểu 3 tháng một lần thì em mới nhận”.
Cũng theo lái xe này “nổ” thì sau khi được sở hữu logo và nộp phí "làm luật" hàng tháng, những chiếc xe tải thoải mái mà chở quá tải, cơi nới thùng xe, đi vào phố cấm ở TP hoặc đường hạn chế tải trọng… Thậm chí có những xe không cần đăng kiểm cũng vô tư lưu thông mà không bị lực lượng TTGT hay CSGT, trạm cân… dừng xe để xử lý.
Một xe có dán lá bùa "TT" |
Với nhiều lái xe tải ở Hải Dương khi PV tiếp cận, đều được họ hướng dẫn cho cách "làm luật" và mức phí làm luật đối với từng loại xe tải. Nhưng một phần vì muốn giữ mối làm ăn nên họ không muốn tiệt lộ hoặc cho thông tin liên lạc với người được “đầu mối” của đường dây mua bán logo "TT". “Thường thì anh cứ chạy xe mà không "làm luật", ít hôm những bọn “cò” sẽ tự tìm đến anh. Ban đầu họ sẽ báo cho lực lượng chức năng dừng xe anh để kiểm tra trọng tải và xử phạt rất nặng. Sau vài lần “cò” sẽ chủ động gợi ý anh mua logo, chứ anh mà hỏi lái xe thì ít khi họ cho anh gặp lắm” – Một lái xe giải thích.
Phải khó khăn lắm và bằng nhiều cách PV mới liên hệ được với một người tên Ngọc được cho là đầu mối chuyên gom các đầu xe lại để thu tiền và phát logo.
Tiếp cận Ngọc trên địa bàn huyện Kinh Môn, nhóm PV trong vai chủ xe tải muốn "được sờ" vài cái logo, Ngọc giới thiệu là có mối quan hệ anh em, “người nhà” với một cán bộ tên là Sơn, còn gọi là “Sơn bạc”. Theo giới thiệu của Ngọc thì “Sơn bạc” hiện đang công tác trong lực lượng TTGT thuộc Sở GTVT Hải Dương…
Những chiếc xe tải này dễ dàng "qua mặt" trạm cân trước sự ngỡ ngàng của nhiều người |
Hé lộ nhiều đường dây “làm luật”cho xe quá tải
Trong cuộc gặp gỡ với "chủ xe tải", Ngọc đã không ngần ngại “chém”: “Ở các tuyến đường huyết mạch thường có nhiều “chốt” của “chim lợn” soi. Nếu có các xe lạ (xe chưa "làm luật" - PV) thì lập tức "chim lợn" sẽ báo cho chốt chặn hoặc lực lượng tuần tra, kiểm soát lùng bắt đưa về trạm cân và xử lý rất nặng. Gì chứ xe than thì các sếp (lực lượng tuần tra kiểm soát, trạm cân… -PV) thích lắm, không thoát được đâu”.
Mức phí mà Ngọc đưa ra với PV là: "Làm luật" chung các xe chở than với lực lượng TTGT địa bàn các huyện thì 300.000 đồng/chuyến hoặc 3 triệu đồng/tháng; với trạm cân là 4 triệu đồng/tháng. Còn với lực lượng CSGT thì chỉ tính theo chuyến với giá 500.000 đồng/chuyến... “Nhưng tất cả đều phải báo biển (báo BKS xe đã "làm luật" và lịch chạy cho lực lượng làm nhiệm vụ - PV) thì mới dễ dàng được bỏ qua, còn không thì chắc chắn phải vào trạm cân” – “Cò” Ngọc cảnh báo.
"Cò" Ngọc được giới xe tải quá khổ coi là "ông trùm" cung cấp logo ở huyện Kinh Môn |
Khi PV tỏ vẻ nghi ngờ về độ tin cậy của Ngọc trong việc “làm luật” cho xe quá tải, Ngọc quả quyết: “Anh cứ yên tâm, em làm trong lĩnh vực này hơn 3 năm rồi, các đội (CSGT, TTGT - PV) em đều có mối quan hệ thân thiết như anh em với nhau. Còn với các sếp bên thanh tra (lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT-PV) thì anh không phải lo vì nhất cử nhất động em đều có người báo ngay khi các sếp ra khỏi cơ quan”.
Không chỉ có “nổ” bằng lời, Ngọc còn khoe những tin nhắn trong điện thoại của mình. Theo những tin nhắn trong điện thoại của Ngọc, danh sách các xe mà Ngọc đã nhận "làm luật" và “báo biển” cho sếp cả một dãy dài dằng dặc. Khi PV muốn được Ngọc thể hiện độ chắc chắn bằng cách giới thiệu đến gặp anh “Sơn bạc” thì Ngọc từ chối với lý do: “Sếp bận lắm, với lại việc này nó tế nhị nên sếp không gặp trực tiếp đâu”.
Mặc dù vậy, bằng "đầu mối" khác, PV cũng đã có cuộc gặp gỡ với một người tên Sơn, còn gọi là “Sơn bạc”.
Trạm cân "không hoạt động" khi xe tải băng qua |
Có vẻ rất thận trọng trong việc tiếp cận “con mồi”, vị cán bộ được cho là đang làm trong TTGT có biệt danh là “Sơn bạc” cho biết, mình không trực tiếp tham gia các hoạt động “giúp đỡ” các xe quá tải, xe than lậu… nhưng sẽ "bảo anh em” liên hệ với nhà xe để giúp. Đồng thời anh “Sơn bạc” khẳng định sẽ lo được các địa bàn hiện cán bộ này đang quản lý.
Đúng như đã hẹn, sau cuộc gặp gỡ với “Sơn bạc”, một người có số điện thoại là 09024527… đã gọi điện liên hệ với PV, xưng là “lính” của anh “Sơn bạc”. Người này đồng ý với các nội dung “giúp đỡ” xe quá tải qua các địa bàn Chí Linh, Nam Sách và TP Hải Dương như anh “Sơn bạc” đã trao đổi, với chi phí là 3 triệu đồng/địa bàn/xe. “Trên đường gặp bất kỳ vấn đề gì thì cứ gọi cho anh để xử lý” – Người này khẳng định.
Khác với cán bộ “Sơn bạc” khi tỏ ra cẩn trọng và đề phòng, không trực tiếp "làm luật" mà chỉ đạo cho “đàn em” thực hiện. Có một vị cán bộ khác tỏ ra tự tin đến mức liều lĩnh hơn khi mà trực triếp lộ diện để “ngã giá” và làm luật với nhà xe mà không cần thông qua “cò”. Cán bộ đó tên là Nguyễn Văn Sơn, có biệt danh là “Sơn cơ động”…
Muốn biết "Sơn cơ động" đòi giá thế nào và loại logo gì đang được cánh xe tải "chuộng", mời độc giả đón đọc kỳ sau
Những chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải nghênh ngang qua trạm cân Cầu Bình - Hải Dương
(Còn nữa...)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại