"Xe vua" ở Hải Dương - Kỳ 1: Lá bùa hộ mệnh mang tên “KT”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXe quá tải “cày nát” nhiều tuyến đường ở Hải Dương
Trong những năm gần đây, do nhu cầu thi công của những dự án cũng như các công trình dân dụng, dịch vụ vận tải trở nên đắt khách ở bất cứ nơi đâu. Cũng vì lý do đó mà tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương dường như phủ sóng khắp nơi.
Sở dĩ nói là xe quá tải, vì theo một số lái xe, nếu cát đen bình thường có trọng lượng trung bình 1,2 tấn/m3; cát vàng trung bình nặng 1,4 tấn/m3, vận chuyển những loại cát này nếu gặp hôm trời mưa, cát bị ướt có thể năng thêm 0,1-0,2 tấn/m3. Đá, sỏi thường 1m3 có trọng lượng 1,6 tấn. Với trọng lượng này, bất cứ xe tải nào chỉ cần chở đủ thùng xe đã bị quá tải từ 20-60%, chưa nói gì đến việc cơi nới thùng xe hoặc khi vật liệu trên thùng xe có “ngọn”.
Những "ông vua" xe tải không chỉ "cày nát" đường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do những tài xế ẩu |
Trên thực tế, lưu thông trên đường có rất nhiều chiếc xe tải 3-4 chân công khai cơi nới thành xe để vận chuyển được mức tối đa cho mỗi chuyến hàng. “Không cần cân cũng biết đó là những chiếc xe quá tải, vì chỉ cần chở vừa khổ cũng đã quá tải rồi. Có những chiếc xe cơi nới, khi chở cát đá có thể quá tải tới 100-150%” – Một lái xe ở huyện Kim Thành, Hải Dương cho biết.
Trước thực trạng xe quá tải trở nên phổ biến, rất nhiều lái xe khẳng định với PV: Nếu chở đủ tải thì lợi nhuận rất thấp hoặc không có lợi nhuận. Mà để có lợi nhuận trong kinh doanh vận tải thì buộc phải vi phạm về trọng tải. Nhưng vi phạm về trọng tải thì không thể thoát khỏi tầm ngắm của lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT trên mọi tuyến đường.
Theo ghi nhận của PV, trên hầu hết các tuyến đường như QL5; QL37; QL17B; QL18… trên địa bàn tỉnh Hải Dương, những chiếc xe tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn vô tư chạy trên đường? Cũng bởi những chiếc xe quá tải tung hoành mà trên các tuyến đường đã có hiện tượng xuống cấp, có những nơi xuống cấp nghiêm trọng như QL5, QL17B và một số tuyến tỉnh lộ…
Ai có dịp đi qua địa phận tỉnh Hải Dương trên QL5 hẳn sẽ không khỏi ngao ngán bởi tình trạng xuống cấp của tuyến đường này. Những vết lằn sâu tới hàng chục cm theo vệt bánh xe tải, container như cái rãnh thoát nước. Hay những cái sống gồ ghề như đàn cá sấu bò ngổn ngang trên đường… Nhất là những chiếc xe con đi trên đoạn đường này thì người tài xế không khác gì phải đánh vật với đường, hết sức nguy hiểm.
"Thủ phạm" phá đường là xe quá tải, ai cũng biết rõ điều này. Lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT… có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý. Tại sao những “ông vua” xe tải vẫn tung hoành khắp nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương?
Những "ông vua" xe tải nườm nượp qua chốt CSGT, còn những xe "thiếu" logo sẽ khó qua nổi |
“Luật ngầm” cho xe tải
Vậy để xe chở quá tải, mang lại lợi nhuận cao mà vẫn bon bon trên đường thì các lái xe và Cty kinh doanh dịch vụ vận tải phải làm sao? Khi tiếp xúc với các lái xe mới thấy rằng, không bài toán nào mà không tìm ra đáp án!
PV giới thiệu là “lính mới”, muốn gia nhập lãnh địa để mưu sinh bằng con xe tải 3 chân. Một chủ xe tải ở đây khẳng định: “Chú cứ chạy thử đi rồi biết, không đơn giản là cứ mua xe để chở hàng là chạy được đâu. Nếu chú không làm luật, mỗi ngày bị cân tải 1 lần thì chỉ có bán xe sớm”.
Cũng theo bác tài này, bất cứ ai làm tải lúc đầu cũng từng bị cân và xử lý rất nặng. Xử lý nặng ở đây được hiểu là xử phạt vi phạm hành chính kịch khung ở lỗi vi phạm.
“Bây giờ đơn giản như xe mình chở đủ khổ, nếu là cát thì cũng bị vượt 20%, còn đá sỏi thì cứ xác định vượt 60%. Mức vượt tải này bị xử phạt ít nhất cũng 2-3 triệu. Mà xe chú cứ ra đường vài ngày là cả CSGT và TTGT đều nắm được, rồi họ sẽ yêu cầu chú đưa xe về cân. Thử hỏi, xe chú chở hàng mà suốt ngày bị đi cân thì thời gian đâu mà làm ăn? Rồi làm mất việc của chủ thì ai dám thuê chú chở hàng nữa. Xong mỗi lần cân chú nhận cái biên bản rồi quyết định xử phạt mấy triệu nữa thì chú có là thánh cũng phải phá sản” – Một bác tài xế xe tải ở huyện Kinh Môn phân tích.
“Làm luật” ở đây, theo hướng dẫn của “dân anh chị” trong nghề là những người kinh doanh dịch vụ bằng xe tải lâu năm thì phải đi theo một quỹ đạo chung. Đó là “làm luật” theo tháng hoặc theo năm, chứ không đơn thuần là "lót tay" trên đường. Cơ chế “làm luật” cũng phụ thuộc vào cung đường hoạt động và trọng tải của xe.
Chỉ cần được dán logo KT thì những chiếc xe tải cơi nới thành xe cũng được làm "ông vua" trên địa bàn huyện Kim Thành |
Những người hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải này thường được gọi là “làm tải”, chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng công trình dân dụng hoặc các dự án. Đây là loại hàng hóa thường xuyên bị quá tải trên mỗi chuyến xe.
Vậy làm sao để biết những chiếc xe lưu thông trên đường đã “làm luật” hay chưa, để lực lượng chức năng biết mà bỏ qua hoặc là phải xử lý? Vừa đặt câu hỏi cho chúng tôi, bác tài ở huyện Kim Thành vừa đưa ra dẫn chứng để trả lời:
“Chú để ý nhé, trên các ngã đường thuộc địa bàn huyện Kim Thành chú hay nhìn thấy trên kính xe tải thường có logo chữ “KT”, đây là chữ viết tắt của “Kim Thành’. Cứ nhìn vào chữ này sẽ biết đây là những chiếc xe đã làm luật để hoạt động trên địa bàn huyện Kim Thành”.
PV thắc mắc: "Vậy những chiếc xe không làm luật mà dán logo thì có qua mắt được CSGT không?". Bác tài cười khẩy: "Chú cứ đùa, CSGT nhận diện xe tải đã làm luật không chỉ qua logo, mà có cả danh sách biển kiểm soát nữa chứ. Xe nào không làm luật mà dám dán logo, nếu bị phát hiện không chỉ bị phạt rất nặng lỗi tải mà còn bị moi móc đủ lỗi để phạt hết khung, như giữ xe, tước quyền sử dụng GPLX...".
Quả thật, từ QL5 tại địa phận thị trấn Phú Thái của huyện Kim Thành, rẽ vào ĐT188 hay ĐT388, khoảng lúc 8g sáng, PV bắt gặp hàng chục chiếc xe tải nhỏ có dán logo chữ “KT” trước kính xe. Theo lý giải của bác tài xế bản địa ở đây thì khi đã “mua” được logo “KT”, cho dù là xe hết đát, không đăng kiểm, xe quá tải… thì vẫn cứ vô từ hoạt động mà không gặp phải sự trở ngại nào từ lực lượng chức năng”.
Kỳ sau chúng tôi sẽ phản ánh một "lá bùa" khác được gắn trên các xe tải, mời bạn đọc đón xem
Khi đã là "xe vua" thì những chiếc xe quá tải vô tư qua chốt CSGT
Một tài xế xe tải ở huyện Kim Thành cho biết, logo KT chỉ có giá trị lưu thông trong địa bàn huyện Kim Thành, không có giá trị lưu thông trên các tuyến Quốc lộ do tỉnh quản lý nên chỉ cần “làm luật” với huyện. Để được dán logo KT thì mỗi xe phải nộp 6 triệu/1 năm. Người đứng ra gom các đầu xe rồi thu phế để dán logo là một chủ xe tải có thâm niên, người này tên là Kiểm. "Xe tôi là xe mua mới tinh, nhưng lúc chưa làm luật thì cứ chạy ra đường mà có tải là bị cân, mỗi lần cân đều bị phạt 2-3 triệu nên thôi đành làm luật cho yên tâm mà chạy" - bác chủ xe tải ở Kim Thành cho biết. Theo một nguồn tin của PV thì người trực tiếp nhận “làm luật” ở khâu cuối cùng tên là Tin. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại