Thứ hai 25/11/2024 18:44

Sông Hồng không yên-Kỳ 2: "Cát tặc" ngay trong tầm mắt của cơ quan chức năng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phía trên bờ, cách khúc sông này không xa là một bến tập kết vật liệu xây dựng, tiếp đó là trụ sở của Đội TTKS đường thuỷ số 01, thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an Hà Nội.  
song hong khong yen ky 2 cat tac ngay trong tam mat cua co quan chuc nang Sông Hồng không yên- Kỳ 1: Trắng đêm săn “cát tặc”

Đêm không yên tĩnh

Buổi chiều, sau khi chỉ cho tôi xem cấu tạo của những con tàu hút cát, Phương đưa tôi đến một quán nước ven sông. Nhìn theo tàu hàng đang xuôi về hướng Long Biên, cậu giải thích: “Gọi là “cát tặc” nhưng thực ra cũng có dăm bảy loại".

Loại có tổ chức, bao giờ cũng chia làm nhiều lớp lang canh gác, có dân "xã hội", thậm chí là cả những người dân ăn mặc rất giản dị cũng bị mua chuộc làm tai mắt. Loại này sẵn sàng dùng vũ lực nếu bị ngăn cản. Dân các vùng hay bị sạt lở ven các con sông ở Hải Dương, Bắc Ninh, nhiều huyện của Hà Nội… vốn chẳng lạ gì đám này.

Nhưng cũng có người vốn đang làm nghề bình thường, nghe anh em động viên, lập tức hùn vốn để chung nhau đóng một con tàu. Lợi nhuận từ cát dễ làm người ta hoa mắt, chỉ tính đường tiến mà bỏ qua đường lui. Đến khi tàu nhập cuộc mới thấy đau đầu bởi đủ thứ lo lắng, lo từ cách lấy lòng kẻ bảo kê, lo thỉnh thoảng nộp phạt hoặc tịch thu máy móc hành nghề nếu bị bắt quả tang…

Dù là dạng nào cũng chỉ muốn yên thân, khi có động lập tức rút quân hoặc nằm im chờ thời.

Hai hôm trước, ngồi nói chuyện với một cậu em đang công tác trong lực lượng CSGT đường thủy. Khi tôi hỏi nguy hiểm của nghề, cậu nói như dặn dò: “Ớn nhất vẫn là gặp phải chủ tàu bị bắt, bị tịch thu máy móc hút cát nhiều lần.

Xót của, có khi họ sẽ có những hành động chống đối bột phát. Giữa mịt mùng bóng đêm bủa vây, giữa những cuộn xoáy xiết của dòng sông, nếu không cẩn trọng, chỉ cần ai đó huých nhẹ vào người cũng khiến ta phải trả giá đắt”.

Vẻ can trường của Phương giúp người đi cùng có phần yên tâm hơn. Chẳng thế mà khi phát hiện người lạ đang ghi lại hình cần cẩu đặt trên phao sang mạn chuyển cát từ tàu cát sang tàu hàng tại khu vực Ba Vì làm ảnh hưởng đến luồng lạch. Lập tức, ba thanh niên phóng xe máy tới.

Phương trấn an, các anh cứ quay phim thỏa mái đi, có em ở đây không phải lo đâu. Đúng thế thật, những thanh niên kia giữ khoảng cách nhất định rồi chăm chú quan sát hành động của kẻ lạ chứ không lại gần.

song hong khong yen ky 2 cat tac ngay trong tam mat cua co quan chuc nang
Khai thác cát tại địa bàn giáp ranh thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh, Ba Vì. Ảnh cắt từ clip.

Để những tàu hút cát không nghi ngờ, các thành viên trong đoàn quyết định ngụy trang tàu hàng bằng cách cho chạy những ống rồng hai bên sườn, sao cho giống hệt một tàu hút cát.

Mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng không bao giờ thừa. Sau tin nhắn báo có tàu đang ăn hàng khu vực thị xã Sơn Tây, Phương gấp gáp kêu mọi người lên đường. Gần 30 phút chạy ngược dòng, giờ đây tàu của chúng tôi đang lọt thỏm giữa tám con tàu hút cát.

Phía trên bờ, cách khúc sông này không xa là một bến tập kết vật liệu xây dựng, tiếp đó là trụ sở của Đội TTKS đường thuỷ số 01, thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an Hà Nội.

Một tàu vừa hút cát xong, cho mũi nhằm hướng tiến đến bến vật liệu. Phương chiếu đèn pin vào vị trí đầu họng xả của một tàu khác. Ánh sáng đèn soi rõ một thanh niên mặc áo phao màu hồng, đứng sát đầu ống. Đáp lại, ánh sáng xanh của chiếc đèn pin trên tay người thanh niên kia cũng lia ngược lại chỗ Phương.

Hai người khác trên tàu này cũng ngừng tay, dõi mắt về phía kẻ lạ. Thấy tàu mới đến có ống rồng, những người trên tàu yên tâm, tiếp tục làm việc của mình.

Phương đề nghị thuyền trưởng An cho tàu tiến gần hơn vào một tàu khác. Lấy tay che ánh sáng đèn pin chiếu thẳng vào vị trí của mình, một thanh niên trên tàu đối diện hô to về phía chúng tôi: “Tắt đèn đi”.

Nhằm làm tan biến sự nghi ngờ, Phương hỏi to: “Cát có đẹp không?”. Một giọng đàn ông khác đáp lại: “Cát đẹp, hút đi”.

Tài nguyên chảy máu, kỷ cương phép nước bị coi thường

21g, một tối giữa tháng 5-2018, vẫn tại khúc sông này tiếp tục xuất hiện gần chục con tàu ngang nhiên hút cát trái phép. Cát được hút lên từ lòng sông, xối xả chảy vào khoang chứa hàng. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hàng nghìn m3 cát đã được lấy đi như thế. Tài nguyên bị chảy máu, kỷ cương phép nước bị coi thường. Câu hỏi đặt ra ở đây, dựa vào niềm tin nào mà “cát tặc” lại ngang nhiên lộng hành sát trụ sở Đội TTKS đường thuỷ số 01?

Không chỉ chúng tôi, liên tiếp trong các tháng 1,3, 4 và 5, các đồng nghiệp cũng đã ghi lại được nhiều hình ảnh khai thác cát trái phép dọc tuyến Ba Vì, Phúc Thọ và đương nhiên không thể thiếu vị trí sông như đã nói ở trên thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây.

Tại Ba Vì, tư liệu trong tay chúng tôi là những thước phim ghi lại cảnh khai thác cát tại địa bàn giáp ranh thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh cuối tháng 3 và giữa tháng 4-2018.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Hà, Trường phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Sơn Tây cho biết, bản thân mình cũng không nắm được những thông tin về khai thác cát trên địa bàn. Ông Hà khẳng định, đoạn sông Hồng, địa phận Sơn Tây chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác cát.

Còn nhớ, ngay trong 1-2018, thời điểm Chính Phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn Hà Nội làm nơi phát động năm An toàn giao thông. Cũng tại thời điểm này, ngay tại tuyến phố cấm Lê Lợi mỗi ngày vẫn hiện diện hàng chục lượt xe quá khổ, tải trọng lớn trên 12 tấn chạy qua lại trong sự “không biết” của các cấp chính quyền.

Cho dù, tuyến phố này là một trục thẳng tắp nối tới UBND phường và Công an Phường Lê Lợi, Đội TTGT, Phòng Kinh tế thị xã và cuối cùng là UBND thị xã Sơn Tây.

Dài dòng một chút để thấy rằng, câu chuyện tài nguyên cát đoạn sông Hồng thuộc thị xã Sơn Tây bị các tàu khai thác trái phép trong sự không biết của các cấp quản lý nơi đây cũng chẳng có gì khó hiểu.

(Còn nữa)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-UBND về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để vi phạm diễn ra kéo dài; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được giao quản lý bảo vệ, phải kịp thời ngăn chặn, xử lý giải tỏa theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo kịp thời cho UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra hành vi khai thác khoáng sản trái phép biết; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…

Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động