Sông Hồng không yên- Kỳ 1: Trắng đêm săn “cát tặc”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLên đường!
Điện thoại nổi tin nhắn của Phương: “Tối nay vẫn làm, anh lên đường đi”. Theo thỏa thuận của hai anh em, hễ lực lượng nằm vùng nắm chắc thông tin có tàu khai thác cát trộm vào thời điểm nào, lập tức Phương sẽ báo ngay cho tôi để sắp lịch lên đường. Theo tin báo, khoảng 21g đến 23g đêm nay sẽ có thuyền ăn hàng tại khu vực thị xã Sơn Tây.
Ngang chiều, Phương dẫn tôi tới bãi neo giữ thuyền sát một mỏ khai thác cát thuộc địa phận huyện Ba Vì. Gần 10 chiếc tàu nằm san sát với nhau, phía dưới mặt sông thỉnh thoảng lại nổi lên cuộn xoáy nước khiến kẻ không thạo sông nước không khỏi ớn lạnh sống lưng, nghĩ đến điều rủi ro nhất.
Giọng Phương oang oang bên tai: “Ông anh phải biết được cát tặc làm cách nào để khai thác được cát”. Cấu tạo của một tàu hút cát như sau: Ban đầu nguồn gốc đều là tàu chở hàng, sau đó chủ tàu sẽ chia đôi khoang chứa hàng để cơi nới thêm một khoang nữa ở giữa. Khoang này có chức năng chứa động cơ hút cát.
Một động cơ có thể nặng từ 1,8 tấn trở lên. Ngoài động cơ, để đưa được cát vào khoang còn cần tới sên sắt, chõ sắt, ống rồng. Đoạn ống cao su đen sì chính là ống rồng, chạy từ khoang hàng tới đuôi tàu rồi nối vào một ống sắt dài hơn chục mét, đầu ống hàn lồng sắt hệt con trăn khổng lồ. Đoạn kim loại này có tên chõ sắt. Khi cần, chõ sắt có thể cắm sâu xuống lòng sông tới 6m và hút cát lên hết sức nhẹ nhàng.
Con tàu sát vị trí chúng tôi đứng sử dụng tới hai ống rồng, hai động cơ hút, chỉ cần trong vòng 40 phút đến 60 phút có thể hút tới 800m3 cát. Giá cát đẹp giao động từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/m3. Chỉ cần một lần hút, trừ chi phí dầu máy và công thợ không đáng kể nó có thể đem về siêu lợi nhuận cho chủ tàu.
Gặp lúc cơ quan kiểm soát sông lơ là, một tàu trong một đêm, tùy vị trí đổ hàng có thể hút từ hai tới ba chuyến. Cát có thể được chuyển cho một tàu khác thông qua hệ thống cẩu trên một phao sang mạn (có hình dáng giống hệt một con tàu nhưng không có động cơ đẩy).
Bán ở hình thức này được giá hơn. Còn muốn nhanh gọn có thể bán luôn cho một số chủ bến dọc tuyến đường thủy. Đương nhiên, giá sẽ thấp hơn rất nhiều. Cát được đánh giá đẹp, cánh to rơi vào địa bàn Ba Vì.
Phao sang mạn chuyển cát từ tàu này sang tàu kia tại địa phận huyện Ba Vì làm ảnh hưởng tới luồng lạch. Ảnh: K.H. |
19g, trên một khoảng đất thuộc huyện Ba Vì, con tàu nhỏ phành phạch cập bờ đón rồi hối hả đưa chúng tôi tới một tàu hàng to đùng, lầm lũi đứng im giữa sông trong màn đêm vây bủa. Trên tàu, bốn người đàn ông đang chờ sẵn. Thấy tôi ngạc nhiên, Phương giải thích, tàu này được cậu huy động từ Phú Thọ, đương nhiên khi nhìn thấy nó dân hút cát trộm sẽ chẳng nghi ngờ gì.
Tàu nổ máy nhằm hướng Sơn Tây, Phúc Thọ thẳng tiến. Chẳng mấy chốc chúng tôi chui qua gầm cầu Vĩnh Thịnh. Thật lạ, đêm nay không phải ngày rằm nhưng mặt sông như được dát thứ ánh sáng hệt ánh trăng chiếu dọi. Sự hung hãn của những dòng chảy chiều nay tôi chứng kiến, giờ như tan biến, thay vào đó là vẻ êm đềm đến kì lạ của mặt sông.
Anh Hưng, thuyền trưởng giải thích: “Ánh sáng ấy, dân lái tàu gọi là bóng nước, chỉ có đi trên mặt sông mới thấy, nếu đứng trên bờ vẫn thấy dòng sông tối thui. Nhờ thứ ánh sáng này, người quan sát điều khiển tàu rất dễ. Đèn pha được dùng rất hạn chế, nó làm cho việc quan sát khó hơn, cũng như gây khó chịu cho các tàu đi ngược chiều”.
Thấy tôi chỉ về hướng con tàu đang chạy cùng chiều, Phương lắc đầu giải thích: “Tàu khai thác cát bao giờ cũng quay mũi ngược dòng nước, còn hướng anh em mình đi đang là xuôi dòng”. Sông chảy qua huyện nào cũng đều có chủ, không phải ai muốn đến hút là được ngay. Tàu lạ, nếu không bị tàu trên địa bàn xua đuổi thì lập tức thông tin sự hiện diện của nó sẽ được báo ngay cho lực lượng cảnh sát đường thủy.
Dân “cát tặc” vẫn rỉ tai nhau, coi đoạn Phúc Thọ là phức tạp nhất bởi sự xuất hiện của một nhóm người săm trổ thường cưỡi tàu nhỏ đến nhắc nhở phí hút cát.
Đối mặt...
Mỗi một đợt lũ về, lòng sông lại có thêm một lớp cát đẹp, cánh to già giặn. Sông đâu đâu cũng có cát nhưng không phải chỗ nào cũng cắm chõ sắt xuống để hút, bởi có chỗ cát non nát như bùn, nếu tìm đúng mỏ mới có cát già, bán được giá cao.
Gió sông lồng lộng nhưng sao hơn một tiếng chạy tàu chỉ lác đác vài tàu hàng qua, lại, tuyệt nhiên không thấy tàu trang bị ống rồng. Hay là bị lộ, một vài thành viên thắc mắc. Không có chuyện đó, người khác trấn an, bởi mình dùng tàu nơi khác cơ mà. Cả đội quyết định cho tàu quay đầu, neo tạm sát một bến cát thuộc địa phận Phúc Thọ.
Phương rút điện thoại liên lạc với người cung cấp tin, đầu bên kia khẳng định chắc chắn trong đêm nay có tàu khai thác nhưng chưa rõ giờ nào.
Ống rồng của con tàu này có thể cắm xuống lòng sông gần chục mét để hút được cát già có giá trị. Ảnh: K.H. |
Con tàu đưa cả đoàn được thiết kế như một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi từ ti vi, tủ lạnh, gường, nhà tắm, nền còn được lát gạch men. Tải trọng lớn nên sóng đánh vào mạn cũng chẳng làm nó buồn lắc lư.
Như đã kể, tàu ngoài tôi và Phương, thủy thủ đoàn có 4 thành viên. Anh An, thuyền trưởng hay cười và ít nói, hai cậu thanh niên phụ việc trẻ hơn, sau một hồi trò chuyện bèn lần hồi đến bên giường, buông màn tránh lũ muỗi từ trên bờ kéo xuống.
Bác Thịnh, tuổi trên 60 rất thích nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế. Cẩm nang cung cấp thông tin trên trời, dưới biển cho bác chính là chiếc điện thoại kết nối sóng 3G. Người đàn ông này cũng từng là một “cát tặc”, lê gót chân giang hồ từ đất Móng Cái, Quảng Ninh cho đến đất bạn Trung Quốc.
Kể về cái nghề hút cát, bác Thịnh nói, mấy ông nhà mình còn thua xa bọn bến ấy (ý bên Trung Quốc), chỉ 30 phút họ hút đầy tàu cát, còn mình ì ạch cả tiếng vẫn chưa xong. Thành ra, nhìn thấy ta họ lại buồn cười vì sự lạc hậu.
Đận theo tàu hút cát ở một khúc sông thuộc tỉnh Bắc Ninh, nhìn thấy đất trên bờ sụt theo dòng chảy vì chõ sắt cắm sâu quá. Rồi người trên bờ xót đất cứ nhìn theo tàu mà chửi mà ném gạch, đá xua đuổi, thấy cái nghề sao mà nhục quá, chẳng khác nào cướp miếng ăn của người khác. Vậy là giải nghệ. Làm tàu hàng thu nhập thấp hơn, được cái lương tâm không bị cắn dứt.
Phương cũng vậy, vốn chẳng lạ gì cái nghề “cát tặc” nhưng trước khi ngấp nghé sang nghề sông nước cậu chàng cũng chìm nổi với tài sớm, tật nhiều của mình. Trong tiếng sóng nước ộp oạp vỗ mạn tàu. Xa xa le lói ánh sáng xanh, đỏ nhấp nháy của con tàu cuốc đang im lìm nghỉ ngơi khiến đoạn sông Hồng càng thêm tĩnh mịch, liêu trai.
Giọng Phương nhẹ và đều như cơn gió thoảng, chẳng cần biết người ngồi cạnh nghe hay không, cậu ôn lại những biến cố đời mình. “Nơi em ở gần như cả xã quen với nghề đào vàng, thỉnh thoảng lại rộ lên tin người này người kia trúng quả khiến người ở nhà cũng rạo rực theo. Vậy là anh rủ em, chồng động viên vợ, thanh niên trong họ, các hội nhóm chơi với nhau nô nức kéo đến những miền rừng xanh núi thẳm, nơi thâm sơn cùng cốc chỉ có khí độc và sự hoang dã để tìm vận may đổi đời.
Kết quả thì sao, người giàu có, may mắn thì ít. Làng xóm thỉnh thoảng đón nhận hung tin có kẻ chết do sập hầm, do bị băng nhóm khác thanh toán, rồi chết vì bệnh tật. Tiếng cười nói ngày càng ít đi, lành lạnh, nặng nề và ảm đạm là hình ảnh ai cũng cảm nhận được khi đặt chân đến xóm.
Rồi những người trai còn lại cũng trở về. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi theo chân đa số họ là những căn bệnh thế kỉ: HIV, AIDS... Làng xóm chốc chốc lại nấc lên tiếng khóc ai oán của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh...”.
Em cũng đi đào vàng và may mắn hơn nhiều người khác. Sau vài lần trúng quả, năm 2004 mới trên 20 tuổi em đã lận lưng vài tỷ. Cái gì đến sớm rồi cũng đi nhanh, mọi vốn liếng, tài sản như bay theo gió bởi tật ham đỏ đen.
Thương tình, mấy anh em chơi cùng cho hùn vốn để dựng lên con tàu hút cát. Nhưng chạy được chưa đến một tuần, tàu bị tóm hai lần, tổng tiền nộp phạt chính thức trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền làm luật. Thất vọng trước lời hứa rồi sự lật mặt của kẻ bảo kê, em quyết định giải nghệ. Giờ giúp được các anh thấy tận mắt cảnh khai thác cát trộm trên sông là em vui rồi”.
Đang nói, điện thoại của Phương nổi tin nhắn. Xem xong, giọng cậu khẩn trương: “Anh em lên đường, đang có tàu hút cát tại Sơn Tây”. Thêm nửa tiếng chạy tàu, trong màn đêm mở ảo gần chục con tàu cát đang đồng loạt tắt đèn, nổ máy hút cát hết công suất. Đầu vòi rồng, cát cùng nước tuôn xối xả vào khoang chứa. Cách đó không xa là một bến chứa vật liệu, thỉnh thoảng trên bở lại lóe lên vệt đèn pin xanh lét quét xuống lòng sông.
Điều đáng nói điểm khai thác cát trái phép này gần như nằm sát trụ sở Đội TTKS đường thuỷ số 01, thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an Hà Nội...
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại