Kỳ 2: Nạn nhân tố cáo điều tra viên vi phạm Điều lệnh Công an Nhân dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKỳ 1: Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bắc Giang vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự? |
CQĐT xác định có dấu hiệu tội phạm nhưng… chưa khởi tố
Theo báo cáo số 1217/CSĐT-PC44 do Đại tá Triệu Công Tám, Phó Thủ trưởng thường trực CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang ký ngày 30-3-2018 gửi Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, đầu năm 2016, cơ quan này nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Lan và bà Nguyễn Thị Chiến, cùng trú tại TP Bắc Giang tố giác bà Huỳnh Thị Hoà Bình, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cùng một số đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các nạn nhân.
Bà Lan tố cáo những dấu hiệu vi phạm của các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang tới các cơ quan chức năng |
Kết quả công tác điều tra, xác minh ban đầu thấy nội dung tố giác là có căn cứ nên ngày 22-3-2016, Thủ trưởng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã phân công Phó Thủ trưởng, điều tra viên giải quyết tố giác về tội phạm theo các nội dung đơn của các nạn nhân.
Do quá trình xác minh, giải quyết đối với tố giác trên gặp nhiều khó khăn, phức tạp nên ngày 16-5-2016, Thủ trưởng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi VKSND cùng cấp đề nghị kéo dài thời gian xác minh tố giác đối với bà Huỳnh Thị Hoà Bình.
Tháng 7-2016, CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã xác định hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội phạm và... |
Đến ngày 2-8-2016, điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ và Hồ Xuân Hương thuộc Văn phòng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản làm việc với bà Lan về việc thông báo kết quả giải quyết đơn của bà Lan. Theo đó, ngày 25-7-2016, CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 1360/CQCSĐT (PC44) về việc trao đổi, thống nhất quan điểm giải quyết xử lý đối tượng Lưu Trọng Đức cùng đồng bọn bị tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với VKSND tỉnh Bắc Giang.
“Quan điểm của CQCSĐT thấy có dấu hiệu của tội phạm, cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội “Lừa đảo chiểm đoạt tài sản” theo Điều 139, BLHS. CQĐT đã bàn giao hồ sơ kèm theo công văn nói trên, tuy nhiên, đến nay (2-8-2016 – PV), VKSND tỉnh Bắc Giang chưa có quan điểm phúc đáp công văn của CQĐT”, biên bản làm việc ghi. Bà Lan nhất trí với kết quả của CQĐT và đề nghị: “VKSND tỉnh Bắc Giang khởi tố đối tượng Lưu Trọng Đức, Trịnh Văn Tôn và Huỳnh Thị Hoà Bình theo đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khi tiếp nhận tin tức về tội phạm, CQĐT và VKS phải xác định sự tồn tại của sự việc và đánh giá xem sự việc đó có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định việc có hay không khởi tố vụ án. Qua đó, kịp thời phát hiện tội phạm, hạn chế tối đa tình trạng bỏ lọt tội phạm. Như vậy, qua quá trình xác minh, CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cần phải khởi tố vụ án để chuyển sang giai đoạn tố tụng, mở đầu các hoạt động điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm mà không còn phải kiểm tra, xác minh để xác định dấu hiệu tội phạm nữa.
3 ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần trao đổi, họp bàn nhưng vẫn chưa khởi tố vụ án |
“Khi CQĐT đã xác định có dấu hiệu tội phạm thì VKSND tỉnh Bắc Giang cũng cần sớm có văn bản phúc đáp để đảm bảo thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Trong trường hợp xác định các đối tượng đưa ra những thông tin gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân là có thật thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra. Trong vụ việc này, 3 ngành tư pháp (CQĐT, VKSND và TAND) tỉnh Bắc Giang đã phải thường xuyên trao đổi, họp bàn mà gần 3 năm trời vẫn chưa đưa ra được quan điểm khởi tố hay không khởi tố vụ án là có… “vấn đề”?”, luật sư Thái bày tỏ quan điểm.
Vì sao gần 3 năm tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm mà các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang vẫn chưa khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra(?), PV đã nhiều lần liên hệ với Lãnh đạo CA tỉnh và VKSND tỉnh Bắc Giang nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ có vi phạm…
Ngoài việc tố cáo VKSND và CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật Tố tụng Hình sự, bao che, bỏ lọt tội phạm… bà Lan còn tố cáo trực tiếp điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ, thuộc Văn phòng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang có dấu hiệu vi phạm trong quá trình giải quyết đơn tố tác tội phạm của bà Lan với các nội dung: Bỏ lọt tội phạm; thiếu trách nhiệm; làm sai lệch hồ sơ; có tiêu cực; nhận tiền của đối tượng; có quan hệ tình cảm với đối tượng; có lời nói xúc phạm đối với bà Lan; xúc phạm, nói xấu đồng nghiệp, gian dối, không trung thực khi báo cáo với cấp trên và vi phạm phẩm chất đạo được người cán bộ Công an.
Báo cáo số 2673/CSĐT-PC44 do Đại tá Triệu Công Tám ký ngày 13-11-2017 gửi Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, xác định một số nội dung tố cáo của bà Lan là có căn cứ. Theo đó, ngày 5-8-2017, Thủ trưởng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định thụ lý, phân công, xác minh, giải quyết tố cáo của bà Lan đối với điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ và đến ngày 3-11-2017, đã ban hành Kết luận số 01/KL-PC44 về việc giải quyết tố cáo trên.
Điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ bị tố mắc nhiều sai phạm nhưng chỉ bị xử lý "nhẹ nhàng" |
Ngoài đơn tố cáo, bà Lan còn gửi tới các cơ quan chức năng nhiều tài liệu như ghi âm, tin nhắn, hình ảnh… để chứng minh những nội dung mình tố cáo vi phạm của điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ là có cơ sở. Song, Báo cáo số 2673/CSĐT-PC44 lại cho rằng, các nội dung tố cáo điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ về: Bỏ lọt tội phạm; thiếu trách nhiệm; làm sai lệch hồ sơ; có tiêu cực; nhận tiền của đối tượng; có quan hệ tình cảm với bà Bình và có lời nói xúc phạm đối với bà Lan… là không có căn cứ vì những căn cứ bà Lan đưa ra đều là dựa trên suy luận chủ quan, không có tài liệu chứng minh.
Báo cáo số 2673/CSĐT-PC44 xác định, nội dung bà Lan tố cáo điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ “vi phạm phẩm chất đạo đức của người cán bộ Công an” là có căn cứ. Bởi lẽ: Điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ là cán bộ trong lực lượng Công an, Điều lệnh quy định khi giao tiếp với nhân dân phải thể hiện thái độ có văn hoá, đúng mực; không trao đổi nội dung công việc qua tin nhắn, qua đàm thoại điện thoại; từ việc làm này có thể dẫn đến hiểu lầm, hiểu sai, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành; làm lộ, lọt bí mật của ngành. Việc làm trên của điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ đã vi phạm Điều 30 Thông tư số 28/2014/TTBCA ngày 7-7-2-14 của Bộ Công an quy định trách nhiệm giữ bí mật đối với tin tức, tài liệu điều tra của Điều tra viên.
Điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ nói chuyện qua điện thoại với bà Lan về nội dung: “Bây giờ anh cứ tích cực, anh cứ tích cực, anh cứ chịu khó đọc, anh là người vất vả nhất, làm làm cái gì? Trong khi đấy cuối năm kiểm điểm, anh làm nhiều thì anh vất vả nhiều, khéo lại vi phạm nhiều, có khi chẳng được hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ ý chứ lỵ. Cái trò đời nó là như thế, bây giờ các ông ấy cứ ngồi chơi xơi nước, ngậm miệng ăn tiền như thế thì cuối năm các ông ý lại vẫn tốt, vẫn nọ kia. Nó không có vết gì, anh cứ làm nhiều, năm nay anh rút kinh nghiệm, anh cứ làm nhiều, làm nhiều cũng va chạm nhiều, nó sẽ tạo áp lực nhiều, nó sẽ sai nhiều, đấy rồi lúc đấy các ông đấy, các ông đấy cứ nhấc lên, nhấc xuống, các ông đấy cân đo, đo đếm, xong cuối cùng toàn anh bị thiệt thôi, anh làm làm cái gì”.
Đại tá Triệu Công Tám đánh giá, giọng điệu trên của điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ trong trường hợp này mang giọng điệu tiêu cực, vi phạm phẩm chất đạo đức của người cán bộ Công an, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an. Việc làm này của điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ đã vi phạm về ứng xử khi giao tiếp với nhân dân, quy định tại Điều 40, Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 của Bộ Công an.
Sau khi có Kết luận số 01/KL-PC44, Cấp uỷ, Lãnh đạo Văn phòng CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã họp bàn và thống nhất xử lý đối với sai phạm của điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ bằng hình thức: Hạ phân loại cán bộ tháng 11-2017 xuống mức không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn đơn vị đối với sự việc trên.
“Tôi đã cung cấp nhiều tài liệu để chứng minh các nội dung tôi tố cáo điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ là có căn cứ thế nhưng, CA tỉnh Bắc Giang lại nói tôi suy luận, không có tài liệu chứng minh là không đúng, có dấu hiệu bao che cho việc làm sai trái của cấp dưới(?). Điều tra viên Phạm Xuân Thuỷ vi phạm Điều lệnh Công an Nhân dân, nói xấu cấp trên đã được làm rõ vậy mà chỉ bị xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” khiến tôi không phục”, bà Lan bức xúc.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại