Bị cáo Đinh La Thăng dằn vặt vì bố mất trong tâm trạng u uất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối đáp, đại diện VKSND giữ quan điểm!
Theo đại diện VKSND, luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng nêu, thành viên HĐQT đã biết, thống nhất để bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn ngày 18-9-2008 với Hà Văn Thắm. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và ông Nguyễn Ngọc Sự là thành viên HĐQT đương nhiên nắm được và mặc nhiên đồng ý.
Về việc này, VKSND đối đáp rằng, bị cáo Sơn chỉ là Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, ông Sự là Phó TGĐ phụ trách tài chính kế toán PVN, chứ không phải là thành viên HĐQT. Việc thỏa thuận góp vốn trên được ký kết giữa bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVN (đại diện PVN) và Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank (đại diện Oceanbank) nhưng các thành viên HĐQT PVN chỉ biết thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30-9-2008. Theo Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN, việc này phải được đưa ra HĐQT PVN thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết theo nguyên tắc tập thể. Bị cáo Thăng ý thức được vi phạm này nên vào đầu năm 2017, khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, bị cáo đã nhờ các ông bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa, Đỗ Văn Đạo (nguyên thành viên HĐQT PVN) xác nhận có bàn bạc thống nhất về chủ trương và giao cho bị cáo Đinh La Thăng thực hiện.
Đại diện VKSND nêu, các bị cáo nói, không có sự cảnh báo nào của cơ quan có thẩm quyền nên mặc nhiên thực hiện coi đó là đúng. Ở văn bản nào, quyết định nào nói phải có sự cảnh báo, phải có sự nhắc nhở thì đó mới là vi phạm pháp luật. Theo KSV, đó là sự nhận thức không phù hợp của các bị cáo, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật. “Các bị cáo cho rằng, việc đầu tư của PVN có hiệu quả, việc mất vốn do NHNN mua lại với giá 0 đồng. Hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái” – lời KSV. Cơ quan giữ quyền công tố khẳng định, các bị cáo là những người có trách nhiệm quản lý phần vốn của tập đoàn, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của tập đoàn nhưng các bị cáo lại có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, để xảy ra hậu quả thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Sau khi góp vốn, HĐQT không có cơ chế kiểm tra giám sát riêng cho người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank; chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm mà các bị cáo khai là đã được kiểm toán.
Kết luận thanh tra đã nêu, báo cáo tài chính này phản ánh không đúng bản chất hoạt động kinh doanh của Oceanbank. Như vậy, PVN đã không phát hiện được những hành vi sai phạm, những tồn tại, những quản trị yếu kém, vi phạm pháp luật của ban điều hành cũng như HĐQT của Oceanbank. Chính hoạt động yếu kém đó đã khiến Oceanbank âm vốn, chủ sở hữu và Nhà nước đã phải mua lại bắt buộc ngân hàng này. KSV bày tỏ, giữa hành vi đầu tư và hậu quả xảy ra, có mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ. Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa, không có quy định nào yêu cầu trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi ký nghị quyết. Nhưng VKSND nhận định, các bị cáo đều là cán bộ cao cấp, từng giữ nhiều cương vị quản lý khác nhau. Bị cáo Thăng biết rõ những gì cần xin chủ trương thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương, sau đó mới triển khai các thủ tục tiếp theo trên cơ sở chủ trương đó. Nhưng bị cáo đã “làm trước, báo cáo sau”, việc bị cáo Thăng và các luật sư cho rằng không có quy định nào buộc phải xin chủ trương rồi mới triển khai là sự biện minh.
Các bị cáo tại phiên tòa. ảnh: TTXVN |
Bị cáo Đinh La Thăng: Bố mất vì chuyện xảy ra với mình
Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng, trước tiên gửi lời cảm ơn đến nhiều người: "Tôi cảm ơn VKSND, CQĐT, luật sư bào chữa cho bị cáo đã tận tâm chia sẻ những biến cố của cuộc đời tôi. Tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp... đã đến thắp hương, chia buồn với sự ra đi của bố tôi. Ông đã mất trong tâm trạng u uất, đau buồn vì chuyện xảy ra đối với tôi. Nếu không có những chuyện xảy ra với tôi thì chắc bố tôi không mất sớm như vậy”.
Ông Thăng giãi bày, trước mức án quá nặng, gần kịch khung, bị cáo có một mong mỏi cuối cùng, đó là, HĐXX hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm, công tâm, xem xét những lời nói của bị cáo trước khi đưa ra phán quyết. Bị cáo suy nghĩ rất nhiều về những năm tháng đã qua dưới sự quan tâm, chỉ bảo của những đồng chí lãnh đạo, người dân… và sự thiệt thòi của gia đình để bị cáo được hiến dâng cho sự nghiệp.
Trong khoảng thời gian làm việc tại PVN, không một lễ, Tết nào bị cáo có mặt ở nhà. Tết vừa rồi, bị cáo lại bị vào tù. Bị cáo vô cùng đau xót. Bị cáo nghĩ, không đủ thời gian thực hiện hết các bản án. Nhưng quan trọng hơn, bị cáo thấy có nỗi đau, sự mất lòng tin trong người dân, những người lãnh đạo Đảng đối với bị cáo. Những đêm trằn trọc trong phòng giam, bị cáo luôn nhớ tới, trong đêm tối vẫn còn một vì sao chiếu sáng. Vì sao đó chính là sự hy vọng. Sống không hy vọng thì có nên sống không. Vì vậy, bị cáo hy vọng trước sự thật khách quan được làm rõ, bị cáo mong HĐXX có sự nhân đạo, khoan hồng để cho ra bản án công tâm.
Trong khi đó, bị cáo Ninh Văn Quỳnh bày tỏ ăn năn trước những gì mình đã gây ra. Suốt quá trình làm việc với CQĐT, bị cáo đã khai báo trung thực, hợp tác. Khi công tác, bị cáo luôn được bồi dưỡng, giáo dục, nhận được một số thành tích nhưng thành tích đó không thể đem so sánh với những sai phạm đã mắc phải. Bị cáo đã làm ảnh hưởng xấu tới gia đình, đồng nghiệp. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo có mức án nhẹ để bị cáo được sớm quay về với xã hội.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng gửi lời cảm ơn HĐXX về phiên tòa cởi mở, tạo điều kiện cho các bị cáo và các luật sư nêu lên quan điểm của mình. Bị cáo đã khai báo rõ ràng về hành vi của mình. Vì nhận thức về những văn bản quy phạm pháp luật bị cáo chưa thấu đáo và Sơn nói rằng, đó là tai nạn nghề nghiệp. Bị cáo nhận trách nhiệm khi đồng nghiệp phải hầu tòa ngày hôm nay. “Trong lòng bị cáo vô cùng đau đớn vì sự sơ suất của mình mà ký Công văn 124. Bị cáo nghĩ rằng, khoản đầu tư đó là có hiệu quả, bị cáo không ngờ rằng sau gần 6 năm kể từ ngày ký mình lại rơi vào vòng lao lý. Điều này làm mất đi hình ảnh truyền thống gia đình của bị cáo, tiêu tan đi những cống hiến của bị cáo trong quá trình công tác. Bị cáo không bao giờ có suy nghĩ vun vén cho cá nhân. Đứng trước phiên tòa, bị cáo kính đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét hoàn cảnh, thời điểm, lý do, để bị cáo được hưởng sự khoan hồng” – lời bị cáo Nguyễn Thanh Liêm.
HĐXX quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 29-3.
Quá trình tranh tụng, các luật sư bào chữa cho bị cáo có để cập đến một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của NHNN, để phục vụ cho việc giải quyết vụ án toàn diện, đầy đủ, NHNN có một số ý kiến: PVN hiện đang là cổ đông tại Oceanbank với tỷ lệ sở hữu là 20% vốn điều lệ nên PVN có quyền mua thêm cổ phần theo tỷ lệ sở hữu tương ứng khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ việc phát hành thêm cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, để tham gia mua cổ phần tại Oceanbank, PVN phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6207 ngày 1-9-2010, số 3870 ngày 6-6-2008 của Văn phòng Chính phủ. Về việc mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của Oceanbank với giá 0 đồng theo Quyết định số 663/QĐ-NHNN ngày 6-5-2015, tại phần xét hỏi của các luật sư đối với những người tham gia tố tụng tại tòa cũng như phần tranh luận của một số luật sư liên quan đến Quyết định số 663, NHNN có ý kiến: Về cơ sở pháp lý của việc mua bắt buộc Oceanbank với giá 0 đồng, việc mua lại có đầy đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời theo kiến nghị của TAND TP Hà Nội (HĐXX vụ Hà Văn Thắm và các bị cáo khác xảy ra tại Oceanbank), ngày 11-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: “Việc mua bắt buộc các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là cơ sở pháp lý…”. Văn bản này cũng đã được gửi đến TAND TC, TAND TP Hà Nội và các cơ quan tiến hành tố tụng. Về thủ tục thực hiện mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của Oceanbank: Việc mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của Oceanbank được thực hiện theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại