Yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện các chính sách pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác cơ quan chức năng đang tiến hành hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị |
Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn
Những năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế, tốc độ đô thị hoá diễn ra rất nhanh. Bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác quy hoạch đô thị cũng bộc lộ rõ một số bất cập. Do đó, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị. Kết quả giám sát đã chỉ rõ chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hoá, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Trong công tác thanh tra và kiểm tra, Tổng cục Quản lý đất đai đã triển khai các đoàn khảo sát đối với đối tượng được thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại tỉnh Ninh Bình; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ đất nông trường, lâm trường tại tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Tổng cục đã tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về vi phạm đất đai. Cụ thể, thông tin phản ánh qua điện thoại: giải quyết 120 thông tin theo đúng quy định của pháp luật; tiếp nhận 140 đơn thư phản ánh của công dân gửi qua bưu điện.
Trong số đó, Tổng cục đã ban hành 76 văn bản gửi địa phương xử lý; 4 đơn chuyển các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý; giải quyết 6 đơn hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét; tiếp nhận 2 trường hợp thông tin phản ánh qua báo chí về sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai qua báo chí của Hà Nội và Hà Tĩnh: đã ban hành 2 văn bản gửi địa phương để kiểm tra, rà soát và xử lý thông tin báo chí đã nêu.
Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tới hơn 60% trong tổng số các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020 đặc biệt là đất đai tại các vùng đô thị.
Hoàn thiện các bất cập về quy định pháp luật
Tổng cục Quản lý đất đai đang thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong quản lý; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan.
Đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25-3-2021 Quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Hoàn thiện các thủ tục để trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế-kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các dự thảo nghị định gồm: Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp…
Hoạt động cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép xây dựng tại các đô thị còn nhiều thiếu sót. Nguyên nhân một phần là do việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được bãi bỏ; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sẽ được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Do vậy, hiện nay, khi gặp các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh không thể tổ chức điều chỉnh, dẫn tới công tác đánh giá, phân loại đô thị không được thực hiện kịp thời. Cùng với đó, việc lập quy hoạch xây dựng liên huyện, vùng huyện theo quy định của Luật Xây dựng gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt để làm cơ sở cụ thể hóa; các khu chức năng cần hình thành theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không thể thực hiện. Điều này tác động tiêu cực, giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương… Vì vậy, có ý kiến cho rằng thực hiện kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị là cần thiết.
Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tổng cục sẽ đề ra các giải pháp để hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại