Xuân về trẩy hội chùa Bối Khê
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChùa Bối Khê là ngôi cổ tự có giá trị lịch sử văn hóa lớn. Ảnh: Văn Biên |
Trong chùa có thờ Đức Thánh Bối tức vị tướng công Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Chùa Bối Khê không chỉ là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp. Tên chữ Đại Bi Tự có nghĩa là chùa Bia Lớn.
Theo các cao niên trong làng Bối Khê, chùa Bối Khê từng là cơ sở kháng chiến chống Pháp của đội du kích sở tại. Hiện nay, trong chùa vẫn còn di tích một cửa ra vào hầm bí mật với đoạn địa đạo dài 7m. Hầm này đào từ năm 1948, chạy vòng quanh làng, tổng cộng dài 3km, có 3 ngách, 2 cửa. Rạng sáng 19/12/1972, một máy bay B52 của không quân Mỹ đã bị Tiểu đoàn tên lửa số 77 của Hà Nội bắn cháy, xác rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng.
Kiến trúc chùa Bối Khê có tiền đường, hành lang tả hữu, nhà tam bảo đều bằng gỗ dựng theo hình chữ quốc. Hậu đường được kết nối với điện thờ Thánh có hình chữ công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính. Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những họa tiết về kiến trúc gỗ 4 vị chim thần.
Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Kiến trúc hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ XVIII, rồi các năm 1923 và 2006. Chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 5.000m2 ở ngay đầu làng. Trước cổng ngũ môn nhìn về hướng Tây là cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã khuất.
Nhìn từ đường vào, cách cổng chùa 50m phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), bên phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là sân đất rộng rãi, có cây đề, cây đa cổ thụ, đường kính ba vòng tay người ôm không xuể.
Lễ hội chùa Bối Khê được tổ chức long trọng từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ảnh: Văn Biên |
Cổng chùa có 5 cửa, phía trên cửa chính có dòng chữ Đại Bi Tự. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp, dấu tích của dòng sông Đỗ Động. Rẽ trái là con đường dẫn tới từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 - 1474), cách chùa 50m. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái. Tầng trên treo quả chuông lớn, đường kính 60cm, cao 1m đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Bên tả tiền đường có nhà bia với tấm bia đá được khắc từ thời Trần để ghi lại công đức của Đức thánh Bối. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, trong dịp đó sau lễ rước ngai Đức thánh Bối là nghi thức cầu mưa, có lẽ là một trong những tập tục cổ xưa nhất của cư dân trồng lúa nước mà nay vẫn lưu truyền.
Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Nơi đây còn giữ được 52 pho tượng Phật giáo, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Cửu Long, Tam thế Phật,...
Trong số đó, bức tượng Quan Âm Bồ tát với 12 tay được đánh giá là đẹp nhất. Ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện rõ ở hình chim thần Garuda đỡ bệ sen của tượng Quan Âm, ghi năm Xương Phù thứ 6 (tức 1382, đời vua Trần Phế Đế).
Trong số hơn 50 pho tượng, đáng chú ý là tượng Quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại Xương Phù lục niên (1382), triều vua Trần Phế Đế. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ cảm xúc của gương mặt, tư thế khác nhau. Sau tam bảo là hậu cung thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An, hai tầng tám mái.
Đến nay, chùa Bối Khê vẫn còn lưu giữ được những cổ vật quý giá như tượng Phật bà nghìn mắt, nghìn tay có từ đời Lý là một trong 2 pho tượng đẹp và quý nhất Việt Nam, 11 bia đá có từ đời Hậu Trần, 2 quả chuông được đúc bằng đồng và 22 đạo sắc từ thời Lý cho đến thời Nguyễn, một quần thể tượng cửu long 9 pho tượng được đặt trên 9 bệ rồng.
Lễ hội chùa Bối Khê được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội chùa là dịp để đông đảo du khách thập phương và nhân dân địa phương đến chùa dâng hương lễ Phật, lễ Thánh và tham dự các trò vui trong ngày hội. Lễ hội được tổ chức khá quy mô, theo đúng phong tục tập quán, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo nếp sống văn minh. Lễ hội gồm có 2 phần chính: phần lễ bao gồm rước thánh, rước văn... Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hoá và trò chơi dân gian phong phú. |
Vì đâu ngôi đền thờ “thần hộ mệnh” của dân làng Bối Khê được tiếng là linh thiêng? | |
Xuân về vãn cảnh chùa Bối Khê |
Người Hà Nội nô nức đi trẩy hội Gò Đống Đa | |
Hàng vạn du khách đổ về trẩy hội chùa Hương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại