Xử lý thế nào với khách hàng đến ăn nhưng “quỵt” tiền?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh bữa ăn tại nhà hàng 5 sao tại Cống Vị đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC |
Đến nhà hàng 5 sao để… ăn “quỵt”
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, một cô gái tới nhà hàng của khách sạn 5 sao ở phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) gọi nhiều món đắt tiền như bò Wagyu, tôm hùm, rượu vang... nhưng ăn xong không chịu thanh toán. Đại diện CA phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) xác nhận có sự việc cô gái vào gọi tôm hùm, rượu vang… ở một nhà hàng sang trọng trên địa bàn. Khi CA tới, có sự chứng kiến của những người liên quan, xác định cô gái trên có "tâm lý không bình thường". Quá trình làm việc với CA, cô gái này lý giải, có người mời đến nhà hàng này ăn, cô gái gọi đồ cho 2 người ăn nhưng chờ mãi không thấy người kia đến. “Đến giờ đóng cửa, nhà hàng yêu cầu thanh toán, cô gái không tính tiền và bảo đợi bạn đến trả chứ không có tiền”, đại diện CA phường Cống Vị nói và cho biết, do phía nhà hàng không yêu cầu xử lý vụ việc nên phía CA không nắm rõ số tiền trong vụ việc này.
Đây không phải là câu chuyện hi hữu, bởi trước đó đã có khá nhiều những sự việc tương tự xảy ra. Trước những sự việc như vậy, mỗi chủ quán có một cách hành xử khác nhau. Nếu như nhà hàng thuộc phường Cống Vị kể trên gọi báo CA, thì cũng có chủ quán… bỏ qua sau khi livestream “bóc phốt” khách hàng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có chủ quán vì quá nóng vội mà đã xử lý bằng cách “giam lỏng” người có ý định quỵt tiền để hòng mong lấy lại số tiền người kia đã ăn.
Chế tài xử lý ra sao?
Vậy khách hàng mua hàng, đi ăn, uống không trả tiền sẽ bị xử lý như thế nào? Chủ quán gặp phải khách có ý định “bùng tiền" thì xử lý sao cho đúng luật. Về vấn đề này, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc đi ăn, uống nhưng không trả tiền là trái đạo đức, trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, đòi nợ thô bạo không phải là cách giải quyết đúng đắn. Chủ quán có quyền tự bảo vệ quyền của mình nhưng phải phù hợp với tính chất, mức độ và phải đảm bảo không được trái pháp luật. Ví dụ như yêu cầu người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc tạm giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cầm giữ tài sản. Theo đó, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Đồng thời, chủ quán cần báo với CQCA đến lập biên bản xem xét xử lý về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khách theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000.
Còn theo Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. “Theo Bộ luật Dân sự quy định, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn phân tích.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự vì hành vi mua hàng nhưng cố tình không trả tiền. Căn cứ quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Còn nếu đối tượng là người “không bình thường”, không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu có giấy tờ chứng minh thì xử lý theo cách khác.
Theo đó, Điều 22, Bộ luật Dân sự 2015 người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi đó, người giám hộ (nếu có) sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 586. “Do vậy, tùy thuộc vào kết luận điều tra, nếu đúng khách hàng mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ có thể phải tri trả bồi thường thiệt hại cho nhà hàng” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Khách hàng khởi kiện vì 14 tỷ đồng "bỗng dưng" biến mất | |
Trách nhiệm của ngân hàng khi để mất tiền của khách hàng? | |
Giả mạo thương hiệu Nguyễn Kim để lừa đảo “Tri ân khách hàng” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại