Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bài 2: Tổ chức đánh giá trên các tiêu chí bảo đảm khách quan, thực chất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuyết định 25/2021/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 1-1-2021 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật |
Cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất
Quyết định 25/2021/QĐ-TTg ra đời đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc. Trong đó, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
Quyết định là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, từ đó, xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa “thượng tôn pháp luật” trong xã hội, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở.
Cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đánh giá bằng 5 tiêu chí, gồm: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; thực hiện dân chủ ở cơ sở; hòa giải ở cơ sở. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu riêng, được đánh giá trên tổng điểm 100.
Tuy nhiên, nhận thức chung của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, việc triển khai thực hiện còn chậm; một số nội dung xây dựng, đánh giá các tiêu chí chưa sát, chưa phản ánh đúng hết thực tế tình hình địa phương; tiến độ hoàn thiện hồ sơ một số đơn vị còn chậm. Bởi vậy, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện yêu cầu các đại biểu cần tập trung lắng nghe, tích cực thảo luận để tiếp thu đầy đủ các nội dung, kiến thức; về cơ quan, địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Với các nội dung chuyên sâu, thiết thực, các đại biểu cần mạnh dạn, tích cực trao đổi để được giảng viên giải đáp, tháo gỡ, góp phần khắc phục các tồn tại đã nêu.
Thống nhất quy trình đánh giá, công nhận
Để cụ thể hóa nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu còn định tính, chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể tài liệu phục vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dẫn đến khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện tại địa phương, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư nhằm khắc phục những hạn chế trên và bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật mới về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thông tư tập trung hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao tại khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, bao gồm nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu; quy trình, biểu mẫu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, Điều 2 và Phụ lục I kèm theo dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong đó cách tính điểm được xác định theo định mức tỉ lệ % tương ứng hoặc theo điểm số cụ thể được quy định tại Phụ lục; hướng dẫn cách làm tròn điểm để thực hiện thống nhất. Tại Phụ lục, có 22 nội dung được chấm điểm theo tỉ lệ % và 17 nội dung được chấm điểm theo điểm số; tương ứng với từng nội dung của tiêu chí, chỉ tiêu đã quy định các tài liệu cụ thể làm căn cứ thực hiện chấm điểm, đánh giá nhằm bảo đảm khách quan, thực chất trên cơ sở không làm phát sinh các tài liệu mới.
Cách xác định điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu có nội dung xác định theo tỉ lệ % được đổi mới theo hướng điểm số được tính tương ứng với định mức tỉ lệ % đạt được, thay vì tính theo công thức chung như trước đây, bảo đảm cho việc chấm điểm, đánh giá được thuận tiện và dễ theo dõi, quản lý.
Về quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể quy trình, bao gồm các công việc, nhiệm vụ mà UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phục vụ việc chấm điểm, đánh giá, đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; các công việc, nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện để phục vụ việc đánh giá, xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai các nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Quyết định 25/2021/QĐ-TTg tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; kỷ luật, kỷ cương và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã được củng cố, duy trì.Qua các tiêu chí đánh giá này, những quyền cơ bản của người dân được tạo cơ chế thuận lợi nhất để thực hiện như: tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, được giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. |
Bài 1: Thống nhất theo các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại