Thứ hai 29/04/2024 18:02

Xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP.
Bưởi Tam Vân (xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN công nhận nhãn hiệu. Ảnh: T. T
Bưởi Tam Vân (xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN công nhận nhãn hiệu. Ảnh: T. T

Theo các chuyên gia, nhãn hiệu giúp mang lại rất nhiều lợi ích bởi nó không chỉ giữ chức năng phân biệt giữa sản phẩm này với những sản phẩm khác cùng loại mà còn là "công cụ" hữu hiệu giúp chủ sở hữu tiếp thị, quảng cáo và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình. Nhãn hiệu cũng góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Để giữ vững được hình ảnh, uy tín của nhãn hiệu, chủ sở hữu phải đầu tư vào chất lượng, duy trì và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, toàn TP Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa)…

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài TP, thị trường mở rộng, giá bán tăng 15 - 20%.

“Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.

Cũng theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu vẫn còn khó khăn do khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, sản phẩm sau thu hoạch chưa thật bài bản, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường, đây là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản.

Mặt khác, kinh phí cho hoạt động này phần lớn phụ thuộc vào chương trình xúc tiến thương mại hoặc lồng ghép vào các chương trình hoạt động của các lĩnh vực khác. Doanh nghiệp thu mua nông sản tại các địa phương còn chưa mặn mà trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nguyên nhân là do chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn để hoạt động.

Nhằm quản lý và bảo vệ thương hiệu nông sản, đặc sản của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm nông sản đặc sản, tạo cơ sở tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu xứng tầm với tiềm năng, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, theo, các địa phương cần quan tâm đến việc quản lý thương hiệu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại, để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định vị thế trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giám đốc hợp tác xã, các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng thương hiệu, từ việc sản xuất an toàn, tới sơ chế, chế biến sản phẩm. Hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản.

Bảo vệ quyền người tiêu dùng: Công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp
Hà Nội: Từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động