Thứ bảy 23/11/2024 04:10

Vụ ngộ độc botulinum từ giò lụa: Thói quen thường làm có nguy cơ gây chết người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp trong 4 ngày qua, các bác sỹ tại TP HCM vẫn đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa.
Vụ ngộ độc botulinum từ giò lụa: Thói quen thường làm có nguy cơ gây chết người
Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM

Liên tiếp các ca ngộ độc botulinum nặng

Vào ngày 14/5/2023, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM đã tiếp nhận 3 anh em ruột trú tại TP Thủ Đức vào viện vì lý do yếu chi dưới tăng dần, suy hô hấp. Người nhà khai với bác sĩ, vào ngày 13/5 các bé có ăn phải giò lụa không rõ nguồn gốc do người dì mua về, có dấu hiệu hư hỏng. Đến chiều cùng ngày, các em bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng.

Tại bệnh viện, em N.Đ. (SN 2010) nhập Khoa Cấp Cứu trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, yếu 2 chi dưới tăng dần, sụp mi mắt, đi đứng loạng choạng. Bệnh nhi nhanh chóng được thở oxy, truyền dịch nhưng tình trạng suy hô hấp tăng dần, phải đặt nội khí quản thở máy. Kết quả đo điện cơ phù hợp chẩn đoán bệnh tiếp hợp thần kinh cơ - nghi do botulinum.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy, thống nhất chẩn đoán bệnh nhân theo dõi ngộ độc botulinum biến chứng suy hô hấp. Hiện, Đ. tiếp tục thở máy thông số thấp và được theo dõi tích cực.

Bệnh nhi thứ hai là N.H. (SN 2009), nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng, chóng mặt, yếu chi. Bệnh nhi cũng được theo dõi ngộ độc botulinum từ thức ăn. Hiện em sụp mi mắt nhẹ, tri giác tỉnh.

Trường hợp thứ ba là bé N.X. (SN 2013), nhập khoa với các triệu chứng tương tự như em H., tiếp xúc tốt. Sau thời gian điều trị, hiện em còn thở oxy, tình trạng cải thiện hơn.

Trước đó khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Bệnh viện Nhi đồng 2 và thống nhất chẩn đoán 3 bệnh nhân nhiễm độc botulinum do ăn giò lụa, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức liên hệ với Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ BAT (có giá nhập khẩu đến 8.000 USD/lọ) về TP HCM. Đây là những lọ thuốc còn lại sau đợt điều trị chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023.

1h ngày 16/5, thuốc BAT được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau 1 giờ truyền thuốc giải BAT, sức khỏe 3 bệnh nhi đều ổn định, không có biểu hiện bị phản vệ.

Sau vụ việc trên, trong hai tiếp đó, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới TP HCM đã hội chẩn và phát hiện thêm được 3 trường hợp ở nghi ngờ ngộ độc botulinum.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 3 trường hợp này thực tế là sự nối tiếp của chùm ca bệnh trước đó là 3 em bé đã xác định ngộ độc botulinum tại bệnh viện Nhi Đồng 2 và 3 em bé này hiện đang được điều trị, đã có những bước cải thiện bước đầu về hồi phục sức cơ sau khi được bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ thuốc giải độc BAT đặc hiệu cho cái loại ngộ độc botulinum này.

Nhóm 3 người lớn mới bị hiện nay nằm rải rác ở ba nơi đó là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và một ca nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả 3 bệnh nhân đều cư ngụ tại TP Thủ Đức và 3 người này ở 2 gia đình khác nhau. Cả 3 bệnh nhân này đều có khởi phát là tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13/5. Trong đó, 2 anh em ruột ăn bánh mì có kèm với giò lụa bán dạo và bệnh nhân 45 tuổi nghi ngờ ăn một loại mắm để lâu ngày.

Với chùm ca như vậy, theo TS.BS Lê Quốc Hùng, có thể nói rằng hơn 90% khẳng định các trường hợp này là ngộ độc botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhân ngộ độc botulinum thường có các dấu hiệu sớm như mệt mỏi, nôn ói, tiêu lỏng trong khi tri giác vẫn tỉnh táo, không sốt. Khi độc tố xâm nhập nhiều hơn sẽ gây nhìn mờ, khô miệng, xuất hiện các dấu hiệu của liệt cơ như sụp mi, khó nuốt, khó nói, Nặng hơn là liệt các cơ hô hấp dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng, thậm chí có thể tử vong nếu người bệnh không được can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Phú, thuốc giải độc tố BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt, ngay sau khi có chẩn đoán, để giúp cải thiện tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là loại thuốc rất hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có, giá thành cao. Vì vậy, chăm sóc hỗ trợ là cơ sở điều trị chính, đặc biệt là những trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng để hồi phục.

Đóng bao gói thực phẩm không có nghĩa là an toàn

Bác sĩ Phú khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.

Vụ ngộ độc botulinum từ giò lụa: Thói quen thường làm có nguy cơ gây chết người
Thuốc giải độc tố BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt, ngay sau khi có chẩn đoán ngộ độc botulinum để giúp cải thiện tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là loại thuốc rất hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có, giá thành cao

Khi phát hiện thực phẩm có màu, có mùi lạ cần thông báo với nơi bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.

Liên quan đến vụ ngộ độc botulinum, ngày 20/5 đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết ngay sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn giò lụa từ người bán dạo, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở sản xuất giò lụa này đóng cửa và ngưng ngay hoạt động.

Đồng thời, theo kết quả điều tra, người bán dạo giò lụa gây ra các trường hợp bị ngộ độc botulinum xảy ra trên địa bàn là người làm công cho một chủ lò bánh mì. Chủ lò bánh mì này lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.

Cơ sở sản xuất giò lụa này hoạt động được gần hai tháng, không có biển hiệu hay bất kỳ giấy phép nào. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu giò lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và chờ kết quả.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, nguyên nhân của ngộ độc botulinum là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra. Loại vi khuẩn này sống trong yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp) gây ra. Nói cách khác, trong môi trường không khí bình thường, vi khuẩn botulinum không thể phát triển được, nên dù con người có hít phải cũng sẽ không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đặt trong môi trường yếm khí, vi khuẩn sẽ tái hoạt động trở lại.

Chuyên gia phân tích, tất cả thức ăn được chế biến, đóng gói, đóng hộp hay đưa vào bao kín không có oxy, vi khuẩn botulinum đều có khả năng phát triển, nên nguy cơ nhiễm độc là luôn rình rập trước mắt.

Để phòng bệnh, sẽ có các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên là khi mới mua thực phẩm về để chế biến (nhất là các loại thức ăn đóng chai, lọ), người dân phải làm trong môi trường sạch, lau chùi, vệ sinh thường xuyên để tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, tránh sự nhiễm khuẩn.

Giai đoạn thứ hai là khâu đóng gói, chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đóng kín thức ăn, nếu không có kỹ thuật khử khuẩn an toàn như các nhà sản xuất. Thay vào đó, người dân có thể bảo quản để độ chua hay độ mặn của thức ăn trên 5%, dùng 5% gam muối/100gr thức ăn. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không phát triển được.

Khi đến giai đoạn thứ ba là sử dụng thức ăn, người dân phải xem kỹ hạn dùng trên hộp, bao bì, vì đó là khoảng thời gian đảm bảo không có vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc hộp bên ngoài đã biến dạng, vì không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc, sinh ra khí làm móp méo đồ ăn. Một số thức ăn có thể sử dụng bằng cách nấu sôi 100 độ trong 10-15 phút để diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ gây ngộ độc.

Các trường hợp bệnh nhân vừa rồi đều ăn loại giò lụa được gói bằng bao ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường, nên nguy cơ ngộ độc rất cao.

Trên thế giới, các ca ngộ độc botulinum không phải hiếm. Đơn cử, theo số liệu tại Mỹ, mỗi năm nước này vẫn ghi nhận dao động từ 150 - 300 ca ngộ độc botulinum.

Còn ở Việt Nam, trước đây ít có khả năng để chẩn đoán được bệnh này. Nay thì chẩn đoán phát hiện dễ dàng. Một trường hợp ngộ độc botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải dẫn đến tình trạng phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày nghĩa là rất sớm sau khi ngộ độc, thì trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở. Tuy nhiên, nhiều biến chứng có thể xảy ra do bệnh nhân thở máy kéo dài, bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân.

Cảnh báo ngộ độc botulinum từ thức ăn không rõ nguồn gốc Cảnh báo ngộ độc botulinum từ thức ăn không rõ nguồn gốc
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động