Vĩnh Phúc: Thúc đẩy “lộ trình” thực hiện Đề án xây dựng môi trường xanh sạch đẹp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÁp lực của rác thải
Có thể thấy, sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, thu ngân sách luôn ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường vẫn còn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Trao đổi với PV ban PL&XH báo Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hiến, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày (Dự báo đến năm 2025 khối lượng phát sinh khoảng 980 tấn/ngày). Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị. Nhưng phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%), hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.
Rác thải sinh hoạt hiện nay tại tỉnh Vĩnh Phúc phần lớn được chôn lấp tạm thời, hoặc đổ thành bãi lộ thiên, phần còn lại được xử lý bằng các lò đốt quy mô nhỏ, không đảm bảo hợp vệ sinh (ảnh tư liệu) |
Nhiều năm qua, việc triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, do chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ về địa điểm của nhân dân ở vùng dự án. Trong khi thực tế lượng rác thải phát sinh trong đời sống ngày một nhiều, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người dân, và gây mất mỹ quan ở nông thôn cũng như đô thị. Rác thải sinh hoạt hiện nay tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phần lớn được chôn lấp tạm thời, hoặc đổ thành bãi lộ thiên, phần còn lại được xử lý bằng các lò đốt quy mô nhỏ, không đảm bảo hợp vệ sinh.
Để giải quyết những tồn tại bức xúc từ cuộc sống do vấn đề rác thải gây ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai công tác quản lý, cũng như các cơ chế hỗ trợ về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.
“Phấn đấu để đạt được mục tiêu trên rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện. Do vậy, việc ban hành “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là yêu cầu rất cần thiết, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.” – ông Nguyễn Bá Hiến, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Sở TN&MT Vĩnh Phúc chia sẻ.
Phí “thu gom, vận chuyển” hiện không còn phù hợp
Thu nhập của người thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn thấp so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là ở các hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường. Ở các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, thu nhập trung bình của người lao động hiện khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và đã được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo quy định. Việc lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng mức thu nhập của người lao động còn thấp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Có tình trạng rác thải ùn ứ, quá tải do xử lý không xuể phải chất thành đống ở vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân (ảnh tư liệu). |
Trong khi đó, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hiện không còn phù hợp, mức thu thấp không đủ bù chi, nhưng hiện nay chưa có cơ chế và nguồn hỗ trợ riêng cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
“Luật quy định bắt đầu từ năm 2025 phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Do vậy, việc gắn trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt trước khi thu gom xử lý là cần thiết, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Mặt khác, tỉnh Vĩnh Phúc cũng truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong nhiệm vụ xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Do vậy, từ năm 2022 Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm phân loại rác thải tải nguồn.” - ông Nguyễn Bá Hiến, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Sở TN&MT Vĩnh Phúc nói.
Sở Công thương có trách nhiệm xây dựng mô hình giảm thải túi ni lông, rác thải nhựa triển khai tại các nơi buôn bán, trung tâm thương mại, nhằm thay đổi nhận thức của người dân, hướng họ sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phát huy vai trò của MTTQ và các hội đoàn địa phương trong việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể năm 2022
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị đạt 95%; ở khu vực nông thôn được nâng lên đạt 80%. Hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên; huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo và Thành phố Vĩnh Yên. Trong đó, đối với thành phố Vĩnh Yên tiếp tục sử dụng mạng lưới điểm tập kết hiện có tại khu vực nội thị và sẽ điều chỉnh cho phù hợp, chỉ xây dựng một số điểm tập kết mới tại xã Định Trung và xã Thanh Trù.
Phê duyệt giá dịch vụ xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương làm cơ sở để các địa phương ký kết hợp đồng xử lý. Phê duyệt kế hoạch điều tiết thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên. Đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải đối với địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên.
Đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và khu xử lý rác thải tập trung tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc xong trước tháng 12-2022; vận hành chạy thử xong trước tháng 6-2023. Cải tạo các bãi rác hiện có nhằm duy trì, đảm bảo khả năng xử lý rác thải trong thời gian xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung.
Phát hành sổ tay hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn. Thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc và thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Quy hoạch vị trí địa điểm, giải phóng mặt bằng và phê duyệt chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung ở các địa phương còn lại. Cải tạo phục hồi môi trường 40 bãi chôn lấp bãi rác của huyện Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên.
Theo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, lộ trình cụ thể để “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…” triển khai đảm bảo thành công, giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn, cần cả hệ thống chính trị của Vĩnh Phúc phải vào cuộc. Cụ thể, thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án từ tỉnh tới huyện, thành phố, phường xã, thị trấn, lãnh đạo chủ chốt của địa phương giữ vị trí trưởng, phó ban – Các Ban chỉ đạo phải ban hành kế hoạch triển khai đồng loạt theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại