Vĩnh Phúc: Giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới năng lực hiện có, Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc mới thực hiện được khoảng 76% kỹ thuật chuyên ngành theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT và Thông tư 21/TT-BYT của Bộ Y tế. Ảnh: Sỹ Hào |
Khoảng 14.000 lượt người khám và điều bệnh tâm thần mỗi năm
TS. bác sĩ Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, diện tích khoảng 1.236km2, dân số (2022): 1.197.000 người. Ngành y tế Vĩnh Phúc có 4 đơn vị dự phòng và chuyên ngành, 7 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; 9 trung tâm y tế huyện, TP; 8 phòng khám đa khoa khu vực và 136 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Hệ thống mạng lưới y tế về lĩnh vực chuyên khoa tâm thần được củng cố từ tuyến tỉnh đến huyện và xã. Trên địa bàn tỉnh có 1 bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh, tại các trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế xã đều có cán bộ phụ trách quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
“Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc là bệnh viện chuyên khoa hạng III, thực hiện được 76% kỹ thuật chuyên ngành theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT và Thông tư 21/TT-BYT của Bộ Y tế. Trung bình hàng năm khám và điều trị khoảng 10.000 lượt người bệnh tại viện, và trên 4.000 lượt bệnh nhân tại cộng đồng, với các mặt bệnh như: động kinh và các mã bệnh rối loạn tâm thần từ F00-F99. Các kỹ thuật chuyên khoa được triển khai mở rộng và chuyên sâu như: điện não đồ, test tâm lý, kích từ xuyên sọ, vận động, lao động trị liệu...” - TS. bác sĩ Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn thiếu. Ảnh Sỹ Hào. |
Trong những năm qua, hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và thu được nhiều kết quả. Các nội dung hoạt động như quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm đạt kết quả tốt. Phát hiện, lập hồ sơ điều trị, quản lý cho bệnh nhân phát hiện mới. Đào tạo, tập huấn, giám sát chuyên môn hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần được duy trì thường xuyên qua các năm.
Thông tin về những khó khăn hạn chế trong chăm sóc sức khỏe bệnh tâm thần, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện tâm thần tỉnh xuống cấp do đã xây dựng nhiều năm.
Mạng lưới chuyên khoa tâm thần tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên khoa tâm thần chưa có, cán bộ phụ trách chương trình tuyến cơ sở thay đổi thường xuyên.
Nhận thức của cộng đồng ở một số nơi về sức khoẻ tâm thần còn chưa được cải thiện, nhiều quan niệm còn lệch lạc, vẫn còn thái độ kỳ thị phân biệt đối xử đối với bệnh nhân tâm thần. Hệ thống cung ứng các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa đáp ứng yêu cầu; chủ yếu triển khai theo chiều dọc, thiếu sự lồng ghép, chưa tiếp cận toàn diện và thiếu các dịch vụ chăm sóc lâu dài, liên tục…
Nâng cao năng lực khám điều trị bệnh tâm thần thế nào?
Thực tế cho thấy nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân ngày càng cao, vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng có nhiều thay đổi, nhu cầu được điều trị, chăm sóc ở môi trường hiện đại, thoải mái, chất lượng cao, được điều trị bằng các kỹ thuật tốt hơn, sử dụng các dịch vụ y tế tốt hơn...
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực khám chữa bệnh nói chung, và khám chữa điều trị chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng. TS. bác sĩ Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới căn cứ văn bản quy phạm pháp luật, sẽ mạnh dạn thực hiện đổi mới về công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc. Tiến hành chăm sóc, quản lý người bệnh theo yêu cầu. Thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân theo cơ chế thị trường. Kiện toàn khoa, phòng của Bệnh viện Tâm thần đáp ứng nhu cầu điều trị, mô hình bệnh tật. Tăng cường và tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành, xây dựng các kế hoạch đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị... Triển khai xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện sớm bệnh, tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động quản lý sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, đề xuất cải tạo cơ sở hạ tầng khoảng 70 tỷ đồng. Đồng thời tham mưu trình HĐND tỉnh Nghị quyết ban hành chính sách thu hút đối với các bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại lĩnh vực tâm thần.
Nâng cao tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật (đạt 100% riêng lĩnh vực tâm thần, tăng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật đa khoa), ưu tiên phát triển lĩnh vực tâm thần nhi khoa.
Khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm để tăng hiệu quả điều trị
Trao đổi với PV PL&XH (báo Kinh tế và Đô thị) xung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị tại cộng đồng là: 4.325 bệnh nhân, trong đó: 1.243 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.675 bệnh nhân động kinh, 77 bệnh nhân trầm cảm (là những BN dùng thuốc Chương trình), bệnh nhân tâm thần khác 1.330 bệnh nhân.
100% bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm phát hiện mới được lập bệnh án, quản lý và cấp phát thuốc tại cộng đồng. Hàng năm, Sở Y tế luôn quan tâm chỉ đạo bệnh viện cung ứng đầy đủ thuốc cho bệnh nhân đang quản lý theo dõi và điều trị tại cộng đồng theo đúng quy định.
Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc đã triển khai quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại 100% số xã/phường/thị trấn. Hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
Khám sàng lọc sức khỏe tâm thần cho người dân ở các xã trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện điều trị hiệu quả các chứng rối loạn tâm thần. Ảnh: Sỹ Hào. |
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm, công tác sàng lọc phát hiện sớm tại cộng đồng rất quan trọng trong điều trị. Năm 2023, Sở Y tế đã phê duyệt chương trình sàng lọc tại cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần đã dần triển khai hoạt động khám sàng lọc sức khỏe tâm thần cho người dân ở các xã trên địa bàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả.
“Sau 3 tháng thực hiện khám, sàng lọc, tư vấn sức khỏe trên địa bàn 32 xã của 5 huyện, với 15.483 lượt người, có 1153 trường hợp được phát hiện chiếm tỷ lệ 7,5% có các vấn đề về sức khỏe tâm thần từ nhẹ đến nặng. Các mã bệnh hay gặp như: rối loạn giấc ngủ, loạn thần tuổi già, động kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm, chậm phát triển tâm thần…” Và rối loạn mất ngủ gặp hơn 80% trong các bệnh được phát hiện khi sàng lọc - bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho nói.
Chương trình khám sàng lọc rối loạn tâm thần được Bệnh viện Tâm thần vĩnh Phúc triển khai tại cộng đồng, mang tính an sinh xã hội lớn. Người dân được tư vấn và được nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng ngay tại gia đình và tuyến y tế cơ sở, ít tốn kém chi phí đi lại. Trong thời gian tới bệnh viện sẽ thực hiện sàng lọc sức khỏe tâm thần học đường.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng của nhân lực tuyến cơ sở, Bệnh viện Tâm thần tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tuyến huyện, xã, y tế thôn bản về công tác sàng lọc phát hiện sớm người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phối hợp với trung tâm y tế huyện, trạm y tế, ytế thôn bản thực hiện các buổi điều tra, khám sàng lọc sức khỏe tâm thần tại các xã, phường, trị trấn trong tỉnh theo kế hoạch đề ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại