Vì sao giám khảo Việt kiều được yêu thích khi ngồi ghế nóng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông chiêu trò
Khi nam ca sĩ Bằng Kiều nhận lời tham gia làm giám khảo chương trình Vietnam Idol 2016, nhiều khán giả đã tỏ ra bất ngờ, bởi lẽ Bằng Kiều vốn rất khó tính và cẩn thận trong việc chọn show mình biểu diễn chứ chưa nói gì đến vị trí ghế nóng. Kể cả với liveshow của cá nhân anh hay bạn bè đồng nghiệp, Bằng Kiều đều đầu tư một cách chỉn chu nhất sao cho các phần trình diễn của anh tạo được dư âm vừa sâu sắc, vừa lâu dài trong lòng công chúng. Bằng Kiều cho biết lý do anh đồng ý làm giám khảo chương trình này là vì bản chất chương trình chuyên sâu về chuyên môn ca hát, đúng với sở trường của anh. Hơn nữa, đây là một trong những chương trình mua bản quyền của nước ngoài đầu tiên và tạo được uy tín nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt là không scandal chiêu trò, từ giám khảo cho đến thí sinh. Trong quá trình ngồi ghế nóng, anh được xem là giám khảo khó tính nhất, luôn đưa ra những lời nhận xét hữu ích cho thí sinh về kỹ thuật và cảm xúc khi trình diễn. Tuy nhiên, trong khi hướng dẫn các thí sinh, anh luôn khuyến khích họ phát huy được hết những sở trường của bản thân, đôi khi những nhận xét vừa nghiêm khắc, vừa hóm hỉnh khiến các thí sinh và cả khán giả rất dễ chịu.
Một nam ca sĩ Việt kiều đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả nữa là Tuấn Ngọc. Ông về nước làm giám khảo chương trình “Tiếng hát mãi xanh”. Nhiều khán giả ngỡ ngàng vì từ trước tới nay, ông nổi tiếng là nghệ sĩ ít nói, không thích cuộc sống ồn ào, khác hẳn với đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay vốn rất nhiều scandal tai tiếng. Hơn nữa, các chương trình truyền hình đều phát sinh ít nhiều lùm xùm để thu hút khán giả. Chia sẻ về quyết định tham gia làm giám khảo chương trình “Tiếng hát mãi xanh”, Tuấn Ngọc cho biết trước kia, ông thường từ chối các lời mời của không ít chương trình truyền hình vì bản chất của giám khảo là phải nói nhiều để câu kéo khán giả, trái ngược hẳn với con người ít nói như ông. Nhưng ông đã gật đầu đồng ý tham gia “Tiếng hát mãi xanh” vì các thí sinh đều từ 40 tuổi trở lên, đều mong mình được sống đúng với những mong muốn, vui thú của bản thân. Cùng với những nỗi lo của cuộc sống, các thí sinh tham gia chương trình đều giữ cho mình tình yêu lớn với nghệ thuật. Tiếng hát đó chính là tiếng lòng, cho dù ở độ tuổi nào thì sự đẹp đẽ, lạc quan, nghị lực của tuổi thanh xuân, của giọng hát vẫn còn nguyên vẹn. Do vậy, ông muốn khuyến khích các thí sinh dù trẻ trung hay cao tuổi, hãy luôn giữ sở thích yêu ca hát để cuộc đời ý nghĩa hơn. Khi tham gia bất cứ chương trình nào, bằng những kinh nghiệm sống và hoạt động nghệ thuật suốt mấy chục năm, danh ca Tuấn Ngọc đều đưa ra những lời nhận xét, góp ý thật ý nghĩa cho thí sinh, đồng thời giữ đúng nguyên tắc làm nghệ thuật là phải giữ gìn hình ảnh một cách nghiêm túc.
Danh ca Tuấn Ngọc khá đắt show làm giám khảo tại Việt Nam. Ảnh tư liệu
Ứng xử khéo léo, thông minh
Chương trình X- Factor 2016 (Nhân tố bí ẩn) từ lúc khởi động cho đến chặng đua cuối đều bị chê là thiếu muối mặc dù có những tên tuổi lớn của làng nhạc như Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Dương Khắc Linh. Đột nhiên, phần thi của thí sinh Minh Như đội Hồ Quỳnh Hương bỗng trở thành tâm điểm tranh cãi của cả giám khảo và dư luận. Trên sóng truyền hình, pa Thanh Lam không ngại mắng đàn em là “láo”, ngay sau đó là ám chỉ Hồ Quỳnh Hương giả tạo trong một bài phỏng vấn. Ngay lập tức sự việc này biến cuộc thi trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khán giả chờ đợi chương trình lên sóng phần lớn để xem thái độ, ứng xử của các giám khảo với nhau khi “cơm không lành, canh không ngọt” thay vì theo dõi các thí sinh “giỏi” đến đâu. Trước lùm xùm mà các đồng nghiệp gặp phải khi ngồi ghế nóng, một số giám khảo Việt kiều tỏ ra e ngại và hoang mang khi đảm nhận trọng trách “cầm cân nảy mực”, nhất là khi trào lưu bị “ném đá” khi không vừa mắt công chúng đang rất phổ biến hiện nay. Nhưng họ cho biết sẽ làm hết khả năng, khôn khéo và linh hoạt trong ứng xử để không làm tổn thương ai. Như vậy mới mong có được chương trình văn minh và đậm chất chuyên môn.
Là giám khảo của các chương trình truyền hình vừa là cơ hội để các giám khảo Việt kiều gần gũi hơn với công chúng quê nhà, vừa là cách tạo ra sự mới mẻ, đa dạng, hấp dẫn người xem từ phía nhà sản xuất. Nhưng các giám khảo ngồi ghế nóng với nhiều “quyền hành” trong tay cũng đồng nghĩa với việc họ đang “ngồi trên đống lửa” khi phải chịu sức ép rất lớn từ nhà sản xuất, các thí sinh và dư luận. Thị trường âm nhạc của thế giới và Việt Nam có ít nhiều khác biệt nên đòi hỏi họ phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi nhận lời tham gia. Bên cạnh đó, sự phù hợp về quan điểm làm việc, dòng nhạc, tiêu chí của chương trình là yếu tố đầu tiên quyết định họ có hợp tác với nhà sản xuất hay không. Rất may là phần lớn các nghệ sĩ đều dũng cảm khước từ các scandal, quyết định sống thật với nguyên tắc làm việc của bản thân. Có thể điều này sẽ khiến chương trình thiếu sức hút về bề nổi nhưng thực chất sẽ tạo ra những điểm nhấn nổi bật về chuyên môn, tạo được dư luận tốt và uy tín cho mỗi cuộc thi. Trong khi đầy rẫy các chương trình với muôn vàn chiêu trò câu khách thì các sân chơi có sự góp mặt của dàn giám khảo dám nói không với scandal thật sự trở thành của hiếm, chắc chắn sẽ được khán giả yêu thích và đón nhận. Đi chậm mà chắc và hợp với lòng người suy cho cùng là hướng đi đúng đắn, thông minh của các nghệ sĩ Việt kiều khi lựa chọn về quê hương làm việc.
Hồng Giang
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại