Thứ hai 27/01/2025 01:18

Nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội giành giải nhất “Sáng tạo trẻ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, 3 sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ” với sản phẩm “Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo”.
Nhóm DNA Mechatronic giành giải Nhất “Sáng tạo trẻ 2024”. Ảnh: Dĩnh Khiêm - Duy Thành
Nhóm DNA Mechatronic giành giải Nhất “Sáng tạo trẻ 2024”. Ảnh: Dĩnh Khiêm - Duy Thành

Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.

Năm nay, cuộc thi có chủ đề "Sáng tạo vì cuộc sống", đã thu hút sự quan tâm lớn từ sinh viên trên cả nước, minh chứng qua số lượng đề tài kỷ lục ban tổ chức đã nhận được. Hơn 400 sinh viên tham gia huấn luyện, 80 dự án nghiên cứu thực tiễn, 11 đề tài được tài trợ phát triển và 5 dự án xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Ban giám khảo cuộc thi là các giảng viên, đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư.

Tham gia cuộc thi, nhóm DNA Mechatronics gồm các sinh viên Mai Bá Nghĩa, Lê Đức Anh, Tăng Hoàng Đức (đều là sinh viên năm thứ tư ngành Cơ điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã xuất sắc giành giải thưởng cao nhất. Sản phẩm đạt giải là hệ thống phục hồi chức năng sử dụng công nghệ thực tế ảo, giúp người bệnh tập luyện với các bài tập cá nhân hóa. Từ đó, dữ liệu được phân tích, gửi bác sĩ đánh giá tiến trình hồi phục của bệnh nhân, điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.

Giới thiệu về sản phẩm của nhóm mình, các thành viên cho biết, cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và y học để tạo nên thiết bị tiên tiến hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay thông qua công nghệ thực tế ảo. Đây không chỉ là một sản phẩm công nghệ cao, mà còn là biểu tượng sáng tạo, lòng nhiệt huyết và trí tuệ của các kỹ sư trẻ đầy triển vọng.

Sản phẩm được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng vận động sau chấn thương - một lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn.

Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp họ đánh giá tiến trình hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài này, các thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng của sản phẩm bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và trải nghiệm thực tế của nam sinh Mai Bá Nghĩa. Cách đây hơn chục năm, Nghĩa từng bị tai nạn, đến nay, tay trái của em vẫn chưa đáp ứng được các hoạt động thường ngày. Khi tìm hiểu về vấn đề mình đang gặp phải, Nghĩa mới biết bản thân là một trong hai triệu người trên thế giới bị suy giảm chức năng vận động. Tại Việt Nam, rất nhiều người bệnh cũng tương tự tình trạng như Nghĩa. Trong khi đó, với 10.000 người dân, Việt Nam mới chỉ có 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng, trong khi mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 0,5-1 người trên 10.000 dân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn trong khi tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng và thiếu động lực tập luyện, cộng với chi phí chưa phù hợp với túi tiền của người Việt. Tất cả những lý do đó đã trở thành động lực để 3 thành viên không ngừng sáng tạo và nghiên cứu thành công sản phẩm.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, nhóm cho biết, do đề tài mới lạ, chưa có nhiều tài liệu tham khảo nên 3 thành viên của nhóm gần như phải bắt đầu từ con số 0. Các em vừa sáng tạo, vừa đảm bảo tính ứng dụng thực tế. Thời gian thực hiện chỉ vỏn vẹn 3 tháng, buộc các thành viên trong nhóm phải sắp xếp thời gian học và nghiên cứu một cách khoa học để đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Nhóm chia sẻ thêm, so với các sản phẩm có tính năng tương tự trên thế giới, hệ thống sản phẩm này có giá thành rẻ hơn khoảng 12%. Cụ thể, bộ sản phẩm gồm găng tay, cảm biến, hệ thống phần mềm (không có kính thực tế ảo) có giá khoảng 4 triệu đồng. Đây là mức giá khá hợp lý với người Việt.

Nhóm DNA Mechatronic giới thiệu sản phẩm tại Vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2024. Ảnh: Dĩnh Khiêm - Duy Thành
Nhóm DNA Mechatronic giới thiệu sản phẩm tại Vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2024. Ảnh: Dĩnh Khiêm - Duy Thành

Sau khi giành được giải Nhất của cuộc thi, đội trưởng Mai Bá Nghĩa bày tỏ: “Sáng tạo trẻ 2024 không phải là điểm dừng, mà là khởi đầu cho DNA Mechatronics. Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới cho công nghệ y học tại Việt Nam, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái phục hồi chức năng toàn diện “do người Việt, vì người Việt”. Nhóm cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tính năng của sản phẩm để thương mại hóa.

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết những dự án tiềm năng như của DNA Mechatronics sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong chương trình BK Startup Day, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6/2025. Đây chính là cầu nối để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, đưa ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thị trường, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

“Nam thần” Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giành “ngôi” á vương
Hơn 200 dự án tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ học sinh, sinh viên
Hàng nghìn sinh viên xếp hàng từ sáng sớm tham gia hiến máu
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động