Hé lộ nguyên nhân cô gái bán hàng online bị bắt cóc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm đối tượng bắt cóc cô gái bị bắt giữ (Ảnh: CACC) |
Hành trình phá án vụ cô gái bị bắt cóc
Cơ quan CSĐT CATP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã ra quyết định tạm giữ hình sự 7 đối tượng, gồm: Phạm Nguyễn Ngọc Vũ (33 tuổi); Nguyễn Ngọc Sơn, Trần Tuấn Vũ, Nguyễn Quang Thái (cùng 22 tuổi); Lữ Văn Tằm (24 tuổi); Phạm Quang Minh (23 tuổi) và Lê Huy Tiến (18 tuổi) tất cả đều ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là 7 nghi phạm liên quan vụ cô gái bán hàng online bị bắt cóc ở Cồn Chim (phường Trường An, TP Vĩnh Long).
Theo điều tra ban đầu, CATP Vĩnh Long nhận được tin báo của ông L.N.L. (49 tuổi; ngụ TP Vĩnh Long) về việc con gái là L.N.H. (19 tuổi) bị nhóm đối tượng bắt giữ tại khu vực bờ kè Cồn Chim đưa lên xe ôtô di chuyển về hướng TP Hồ Chí Minh.
Tiếp nhận tin báo, ban Giám đốc CA tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo quyết liệt, đồng thời thông báo Cục Cảnh sát Hình sự, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hồ Chí Minh phối hợp, với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương truy vết, đón lõng nhóm đối tượng để giải cứu nạn nhân. Đến 15h cùng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt giữ được các đối tượng liên quan, đồng thời giải cứu an toàn bị hại. Qua khám xét, cơ quan công an tạm giữ khẩu súng có ổ xoay bằng kim loại màu đen, viên pháo tự chế, túi ni lông chứa tinh thể màu trắng nghi là ma túy, cùng nhiều vật dụng khác.
Theo CA tỉnh Vĩnh Long, qua điều tra, xác định nguyên nhân ban đầu do L.N.H. trong thời gian làm việc tại Đồng Nai có mượn tiền của nhóm đối tượng trên nhưng không có khả năng chi trả. Đến khoảng đầu năm 2024, H. về nhà cha mẹ ruột tại TP Vĩnh Long, sinh sống bằng nghề mua bán hàng online. Trong quá trình mua bán, đến sáng 24/1, các đối tượng đặt hàng và yêu cầu H. giao hàng tại khu vực Cồn Chim.
H. đến địa điểm trên thì bị các đối tượng khống chế, đưa lên xe đi về hướng TP Hồ Chí Minh. Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận việc bắt cóc nạn nhân nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng và yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển tiền mới thả người.
Các đối tượng bắt cóc có thể phạm nhiều tội
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật quy định việc cho vay và đòi nợ là quan hệ dân sự, đòi hỏi việc chuyển giao tài sản của các bên phải tự nguyện, minh mẫn.
Nếu gian dối hoặc đe dọa để chuyển giao tài sản, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Chủ nợ có quyền nhắc nợ, yêu cầu tổ chức cá nhân nợ tài sản có trách nhiệm phải hoàn trả đúng thời gian, địa điểm theo thỏa thuận. Trường hợp người nợ tiền bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả tiền, họ có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi đòi nợ bằng cách đe dọa uy hiếp tinh thần của con nợ, xâm phạm đến quyền đi lại, cư trú, xâm phạm đến thân thể của con nợ. Vì vậy, hành vi bắt cóc con nợ để yêu cầu người thân của họ phải trả nợ thay sẽ bị xử lý hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp bắt con nợ, đe doạ, đánh đập để yêu cầu họ phải trả tiền có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp bắt cóc con nợ nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được là để đòi nợ, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo Điều 157, Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, trong vụ việc nêu trên, nếu thực sự cô gái nợ tiền của nhóm đối tượng mà bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, các đối tượng hoàn toàn có quyền trình báo sự việc với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu không chứng minh dấu hiệu tội phạm, các đối tượng này vẫn có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, các đối tượng đã không lựa chọn hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội mà lại có hành vi có tính chất côn đồ, ý thức coi thường pháp luật mà bắt giữ trái pháp luật cô gái này.
Pháp luật quy định mọi công dân đều có quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú. Việc bắt giữ người phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo trình tự thủ tục luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc bắt người theo lệnh truy nã.
Bởi vậy, hành vi bắt cóc cô gái này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, đến quyền tự do thân thể của công dân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
“Có thể trước tiên cơ quan điều tra khởi tố về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, quá trình điều tra nếu có căn cứ cho thấy đã có hành vi dùng vũ lực để đòi nợ thì sẽ chuyển sang tội cướp tài sản sự với hình phạt nghiêm khắc hơn”, luật sư Hồng Liên thông tin.
Người phụ nữ dẫn cháu bé đi có bị xử lý hình sự? | |
Vụ 5 người Việt bị tống tiền tại Campuchia: các đối tượng bị xử lý về nhiều tội danh? | |
Con gái cùng đồng bọn dàn cảnh bắt cóc tống tiền cha ruột |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại