Việt Nam tổ chức Hội nghị Tham vấn Quốc gia về Chuyển đổi Giáo dục
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội nghị Tham vấn Quốc gia về Chuyển đổi Giáo dục được Bộ GD&ĐT tổ chức, với sự hỗ trợ của UNICEF và UNESCO. Ảnh: BTC |
Hội nghị Tham vấn Quốc gia về Chuyển đổi Giáo dục hướng đến mục tiêu xây dựng tầm nhìn chung, thể hiện sự cam kết và thống nhất hành động ở tất cả các khu vực để chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam theo Chương trình Nghị sự 2030 vì Mục tiêu phát triển bền vững.
Các thành viên tham gia Hội nghị sẽ xác định những phương hướng quan trọng để giải quyết những thách thức lớn nhất mà hệ thống giáo dục quốc gia đang phải đối mặt, với mục tiêu đảm bảo đầu tư chính xác nhằm giải quyết tình trạng mất mát trong học tập; để đảm bảo trẻ em và thanh thiếu niên được học tập trong các môi trường an toàn và lành mạnh; giúp trẻ em có được kỹ năng đáp ứng các yêu cầu việc làm của thế giới hôm nay và cả trong tương lai và đảm bảo Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (xây dựng một nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cũng như nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Mục tiêu này đảm bảo đến năm 2030, tất cả trẻ em gái và trẻ em trai hoàn thành giáo dục Tiểu học và Trung học một cách miễn phí) được đưa về đúng hướng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Hơn hai năm qua, với sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì và bền bỉ của của cả hệ thống giáo dục, mặc dù gặp rất nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chính sách giúp cho việc dạy và học trên toàn đất nước không bị gián đoạn, cũng như chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo. Trong khi ứng phó với đại dịch, chúng ta cũng nhận thức rõ hơn về hệ thống giáo dục Việt Nam và đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược về tương lai của giáo dục nước nhà; những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động.
Để phục vụ cho Hội nghị Thượng đỉnh Chuyển đổi Giáo dục sẽ được tổ chức vào ngày 19/9 tới tại New York, Hoa Kỳ, Hội nghị Tham vấn Quốc gia lần này được tổ chức với mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của đại điện các Bộ, Ban, ngành, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục, đại điện của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH và một số tổ chức quốc tế…”.
Các đại biểu tham gia Hội nghị. Ảnh: BTC |
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Với định hướng của Mục tiêu phát triển bền vững số 4, với sự đảm bảo tất cả trẻ em và thanh thiếu niên hoàn thành chương trình giáo dục công bằng và chất lượng, với một nền giáo dục đem đến được các kết quả học tập phù hợp và hiệu quả vào năm 2030, thì đây là thời điểm thích hợp để thực hiện khôi phục và cải cách. Để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, chúng ta cần ưu tiên giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này, bao gồm: các vấn đề như bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, mất mát trong học tập, khoảng cách số, bất bình đẳng giới, thiếu hụt tài chính cho giáo dục và các nhu cầu cụ thể khác từng nhóm trẻ em/thanh thiếu niên”.
“Tôi khuyến khích tất cả chúng ta hãy cùng tạo ra không gian để những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em và thanh thiếu niên được lên tiếng. Là một thành viên của Hội nghị tham vấn Quốc gia và Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu lần này, trong tham vấn ý kiến của những người trẻ tuổi, Liên Hợp Quốc lắng nghe những chia sẻ về trải nghiệm của họ, đồng thời, lắng nghe các giải pháp mà họ muốn đóng góp, công nhận những con người này là những đối tác quan trọng trong quá trình thảo luận về chuyển đổi giáo dục”, bà Tamesis nhấn mạnh.
Đại dịch khiến việc học bị gián đoạn trong khoảng thời gian dài chưa từng có trong lịch sử. Dữ liệu từ báo cáo điều tra các Mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện trong giai đoạn 2020-2021 chỉ ra rằng khoảng cách số giữa trẻ em gái và trẻ em trai hiện là rất lớn, cộng thêm việc thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông, khiến khả năng tiếp cận đào tạo từ xa của các em bị hạn chế.
Những số liệu này còn cho thấy sự phân hóa ngày càng lớn giữa các nhóm dân tộc, giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư giàu nhất và nghèo nhất. Những con số đó cũng nhấn mạnh các xu hướng đáng lo ngại, bao gồm bất bình đẳng giới, với minh chứng rằng số trẻ em gái hoàn thành bậc THPT là 65% trong khi đó với trẻ em trai, con số này chỉ gần 51,4%. Trong khi thị trường lao động ngày càng đòi hỏi khắt khe, thực trạng này khiến trẻ em khó đạt được trình độ cao và các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để phát triển toàn diện.
Hơn nữa, một nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ gần đây đã cho thấy số lượng học sinh THPT gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng đáng kể và để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay hành động một cách khẩn trương, kịp thời và nghiêm túc của nhiều Bộ, Ban, ngành, lĩnh vực liên quan như giáo dục, bảo vệ trẻ em, sức khỏe và bảo trợ xã hội.
“Các phương pháp tiếp cận đổi mới là vô cùng cần thiết, với vai trò như một đòn bẩy để thúc đẩy những thay đổi lớn trong chính sách và thực tiễn giáo dục trong các giai đoạn trung và dài hạn. Do đó, sự tham gia và hỗ trợ tích cực của các bộ ngành trong chính phủ như y tế, lao động, môi trường, phát triển và an sinh xã hội, tài chính, thông tin - viễn thông và sự tham gia của thanh niên là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo các cam kết được thực thi, kết hợp như một sự đầu tư cho công cuộc cải cách”, bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF phát biểu.
Ông Christian Manhart, Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Hội nghị Tham vấn này diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng, khi Việt Nam đang xem xét và khẳng định lại các phương pháp tiếp cận để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4. UNESCO đang tích cực hỗ trợ các hệ thống giáo dục trên thế giới tham gia vào một cuộc thảo luận toàn cầu về việc tái hình dung về kiến thức, giáo dục và học tập trong một thế giới ngày càng phức tạp, bất ổn và bấp bênh và nhất định rằng kết quả của cuộc thảo luận này sẽ đưa ra những đóng góp cực kì quan trọng”.
Kết quả của Hội nghị Tham vấn này sẽ đóng góp vào Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Chuyển đổi Giáo dục do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, tổ chức trong tháng 9 tới.
Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu muốn huy động cam kết chính trị, các hành động, giải pháp, cùng sự đoàn kết để chuyển đổi nền giáo dục nhằm nỗ lực khắc phục những tổn thất về học tập gây ra bởi đại dịch; đồng thời, để tái thiết, hình dung lại các hệ thống giáo dục cho thế giới hôm nay và mai sau. Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu cũng hướng đến khôi phục nỗ lực của quốc gia và toàn cầu nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại