Thứ sáu 08/11/2024 12:37

Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ê-ti-ô-pi-a kinh doanh và đầu tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, ngày 24-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến với Bà Kê-ra I-bra-him, Chủ tịch Thượng viện Ê-ti-ô-pi-a.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm Ê-ti-ô-pi-a, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo và nhân dân Ê-ti-ô-pi-a. Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu của Ê-ti-ô-pi-a trong việc duy trì ổn định chính trị, phát triển đất nước, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu của châu lục trong hơn 10 năm qua, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nghị viện Ê-ti-ô-pi-a trong việc xây dựng môi trường đoàn kết, thống nhất đất nước, góp phần duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ê-ti-ô-pi-a. Chủ tịch nước đề nghị Thượng viện Ê-ti-ô-pi-a tích cực ủng hộ và khuyến khích các chính sách mở cửa của Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Ê-ti-ô-pi-a trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm như nông nghiệp, thương mại, viễn thông, hàng không, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ…

Chủ tịch nước thông báo Việt Nam đã triển khai hợp tác về nông nghiệp với một số nước châu Phi như Ghi-nê, Bê-nanh, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la... và đã đạt những thành công đáng khích lệ, được bạn bè châu Phi đánh giá cao; đề nghị hai bên xem xét triển khai mô hình hợp tác ba bên về nông nghiệp hoặc theo mô hình đối tác công tư (PPP) có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ê-ti-ô-pi-a kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác liên nghị viện, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan nghị viện hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt giữa các Ủy ban của hai Quốc hội nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát, đồng thời tăng cường vai trò của hai Quốc hội trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Chủ tịch Thượng viện Ê-ti-ô-pi-a nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến Ê-ti-ô-pi-a, bày tỏ ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như những thành tựu to lớn đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Chủ tịch Thượng viện Ê-ti-ô-pi-a bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định của Việt Nam trong thời gian qua, là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản như gạo, cà phê…;

Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ê-ti-ô-pi-a kinh doanh và đầu tư
Bà Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian thăm AU, chúc mừng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm và trình độ cao như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…. Chủ tịch Thượng khẳng định, với vị trí là Thủ đô của châu Phi, cửa ngõ của khu vực Sừng châu Phi, Ê-ti-ô-pi-a sẵn sàng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại châu Phi, trên tinh thần đó đề nghị Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Adis Abiba để tăng cường hợp tác song phương cũng như hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Phi.

Hai bên cho rằng tuy xa cách về địa lý, nhưng Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a có nhiều điểm tương đồng, đều là quốc gia đang phát triển, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan nghị viện hai nước nhằm góp phần nâng cao quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, để tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc và Liên minh nghị viện thế giới (IPU).

Nhân dịp này Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Thượng viện Ê-ti-ô-pi-a Bà Kê-ra I-bra-him, thăm chính thức Việt Nam và Bà đã vui vẻ nhận lời.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm trụ sở liên minh châu Phi (AU) và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Bà A-mi-ra Eo-pha-điu Mô-ha-mét Eo-pha-điu (Amira Elfadil Mohammed Elfadil).

Bà Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian thăm AU, chúc mừng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á; đánh giá cao Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, góp phần duy trì hoà bình ở châu Phi.

Bà Quyền Chủ tịch cho biết vừa qua AU đã thông qua chiến lược phát triển vì lợi ích và sự thịnh vượng của người dân Châu Phi; các nước châu Phi đã ký hiệp định thành lập khu vực tự do châu Phi và nghị định thư chuyển dịch tự do; đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam, xác định những lĩnh vực ưu tiên như chế biến, nông nghiệp, khai khoáng du lịch… mong muốn Việt Nam là cầu nối với Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Bà Quyền Chủ tịch EU cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ người dân các nước Châu Phi thông qua công nghệ viễn thông, qua đó duy trì đoàn kết nội khối và khẳng định AU sẵn sàng phối hợp với Việt nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Khối Pháp ngữ (Francophonie).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng lần đầu tiên dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm trụ sở của Liên minh châu Phi (AU). Chủ tịch nước chúc mừng thành tựu của nhân dân các nước Châu Phi trong phát triển kinh tế và duy trì môi trường hoà bình và ổn định ở Châu Phi; khẳng định Việt Nam và các nước châu Phi đã luôn sát cánh ủng hộ và tương trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp phát triển kinh tế ngày nay.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ với các nước châu Phi, hihện nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 53/55 nước châu Phi, chân thành chúc mừng thành công của Hội nghị thượng đỉnh AU tháng 6-2018 vừa qua với việc thông qua việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Phi (AcFTA), đồng thời đánh giá cao quyết tâm của các nước thành viên AU đẩy mạnh cải cách Liên minh theo hướng hiệu quả, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết giữa các nước để cùng phát triển AU thành một cộng đồng thống nhất hùng mạnh.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của AU trong các hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định ở châu lục và trên thế giới. Chủ tịch nước mong muốn các nước đang phát triển như các nước châu Phi và Việt Nam đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau để tăng cường hơn nữa tiếng nói và vai trò ảnh hưởng tại các cơ chế đa phương như tại Liên hợp quốc, trong phong trào Không liên kết và khuôn khổ hợp tác Nam – Nam; đề nghị các nước Châu Phi ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế Việt Nam cũng đã gửi các sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.

Cho đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi đã đạt được kết quả đáng khích lệ, Việt Nam đã 2 lần tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam – châu Phi vào các năm 2003 và 2010, thực hiện nhiều dự án hợp tác nông nghiệp và thủy sản tại châu Phi, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi, tiêu biểu là các dự án với Mô-dăm-bích, Xê-nê-gan, Bê-nanh, Cộng hòa Công-gô, Ghi-nê…

Nhiều thế hệ chuyên gia của Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp đã và đang làm việc tại một số nước châu Phi như Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích…, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân châu Phi. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi vẫn còn rất khiêm tốn, do đó để thúc đẩy hợp tác với châu Phi, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ để triển khai hợp tác đồng bộ, quy mô lớn với khu vực cũng như để tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế cùng bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Hai lãnh đạo nhất trí sẽ nghiên cứu mô hình hợp tác hiệu quả, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ liên hợp quốc, phát triển nông nghiệp, giáo dục, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông…vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Châu Phi, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực và trên thế giới.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động