Việt Nam đứng đầu châu Á về sự tham gia của trẻ em gái vào đời sống chính trị và chính sách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo cáo nghiên cứu các cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương. Chỉ số trẻ em gái lãnh đạo khu vực châu Á được đo lường trên sáu lĩnh vực: Giáo dục, Sức khỏe, Cơ hội Kinh tế, Bảo vệ, Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị, và Luật pháp và Chính sách |
Báo cáo nghiên cứu các cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương. Chỉ số trẻ em gái lãnh đạo khu vực châu Á được đo lường trên sáu lĩnh vực: Giáo dục, Sức khỏe, Cơ hội Kinh tế, Bảo vệ, Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị, và Luật pháp và Chính sách.
Trong số 19 nước khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 về tổng chỉ số với 0,712 điểm, giảm so với mức điểm 0,721 công bố năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực Luật pháp và Chính sách và đứng thứ hai trong lĩnh vực Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị.
Lĩnh vực Luật pháp và Chính sách được tính toán dựa trên các chỉ số về thừa kế, trả lương bình đẳng, quấy rối tình dục, kết hôn trẻ em, và bạo lực gia đình. Ở lĩnh vực này, Việt Nam đạt 1,000 điểm, đứng đầu khu vực châu Á cùng với Phi-líp-pin và Thái Lan.
Lĩnh vực Khả năng đại diện và Tiếng nói chính trị được tính toán dựa trên các chỉ số về tỉ lệ đại diện trong quốc hội, sự bình đẳng khi làm chứng trước tòa, và tỉ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em gái. Ở lĩnh vực này, Việt Nam đạt 0,773 điểm, xếp thứ hai khu vực châu Á sau Singapore.
Các chỉ số Sức khỏe và Giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với chỉ số công bố năm 2020. Trong khi chỉ số về Bảo vệ không thay đổi, chỉ số Cơ hội Kinh tế của trẻ em gái Việt Nam giảm nhẹ, đứng thứ 10 trong khu vực. |
Các chỉ số Sức khỏe và Giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với chỉ số công bố năm 2020. Trong khi chỉ số về Bảo vệ không thay đổi, chỉ số Cơ hội Kinh tế của trẻ em gái Việt Nam giảm nhẹ, đứng thứ 10 trong khu vực.
Báo cáo Trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021 nhấn mạnh rằng hoạt động xã hội của giới trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu trong đảm bảo bình đẳng giới và quyền lãnh đạo của trẻ em gái, qua đó khuyến khích các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ trẻ phát triển và nêu lên tiếng nói của mình.
Bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Plan International cho biết: “Chúng ta phải tạo ra một không gian an toàn, toàn diện và cởi mở để các em gái có thể nêu lên tiếng nói của mình, lan tỏa thông điệp về đảm bảo các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và phát triển sức mạnh tập thể cũng như cá nhân”.
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em với mô hình Hội đồng trẻ em
Đảm bảo quyền tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm trẻ em gái và phụ nữ trẻ, là một ưu tiên hoạt động của Plan International tại Việt Nam. Một trong những hoạt động tiêu biểu mà Plan International đã thực hiện là mô hình Hội đồng trẻ em.
Hội đồng trẻ em (HĐTE) là đại diện của trẻ em trên địa bàn định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các đại biểu, các lãnh đạo của địa phương về những vấn đề liên quan đến trẻ. Đây là mô hình mà Plan International Việt Nam phối hợp với Hội đồng đội Trung ương thực hiện thí điểm từ năm 2017. Từ 5 mô hình thí điểm cấp tỉnh của Trung ương Đoàn, đến nay đã có 14 mô hình HĐTE cấp tỉnh và 21 mô hình HĐTE cấp huyện trên cả nước.
Minh Anh (phải) và quản lý chương trình của Plan |
Tham gia "Hội đồng trẻ em", các em nhỏ được đào tạo kiến thức để không chỉ hiểu biết rõ các quyền của bản thân mà còn được rèn luyện nhiều kĩ năng mềm phục vụ việc thu thập thông tin, tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến và trình bày ý kiến. Nhiều bạn nhỏ có cơ hội đại diện tiếng nói của bạn bè xung quanh, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ước mơ và dần được các cô bác lãnh đạo địa phương "chắp cánh" bằng những quyết sách thực tế.
Trong giai đoạn từ 7-2020 đến 6-2021, 372 trẻ em tiêu biểu (trong đó 162 trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 43.5%) là thành viên của 10 HĐTE, đại diện cho hơn 983,000 trẻ em của 5 tỉnh dự án của Plan đã tổng hợp hơn 14,880 ý kiến từ các bạn trên địa bàn các thành viên HĐTE sinh sống và học tập về các vấn đề liên quan đến trẻ.
Em Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng trẻ em huyện ở Hà Giang phát biểu: “Tham gia HĐTE huyện, em có dịp đại diện bày tỏ ý kiến của các bạn thiếu niên nhi đồng trong toàn huyện. Chúng em mong rằng các bác lãnh đạo sẽ quan tâm giúp đỡ chúng em để chúng em có thể phát triển toàn diện trong môi trường tốt nhất, và tổ chức nhiều buổi tiếp xúc để chúng em có thể bày tỏ nguyện vọng của mình”.
Em Nể, dân tộc Mông, thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Lai Châu cho biết: “Nhờ tham gia HĐTE, mình đã biết được các quyền lợi của trẻ em, trong đó có quyền được chủ động nói lên tiếng nói của mình. Mình đã tích cực tuyên truyền cho các bạn cùng trang lứa ở nơi mình sinh sống để các bạn học tập và hiểu thêm về quyền của trẻ em, từ đó dần dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”.
Mô hình HĐTE được Cục Trẻ Em, Bộ LĐTBXH đánh giá là mô hình phát huy sự tham gia của trẻ vào các vấn đề liên quan đến các em tại địa phương từ trong gia đình, nhà trường và tại cộng đồng nơi trẻ sinh sống. Mô hình giúp các em phát triển toàn diện; đồng thời là cầu nối giúp lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện và các ngành, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em, tạo sự chuyển biến nhận thức các cấp, các ngành và toàn xã hội về trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.
Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của trẻ em gái qua các hoạt động trao quyền tại Việt Nam
Trong tháng 10-2021, để chào mừng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11-10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Plan International Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động trao quyền cho trẻ em gái nhằm tạo cơ hội giúp các em gái trải nghiệm vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực đời sống.
Ở cấp độ quốc gia, sáu em gái đã được trao quyền lãnh đạo tại nhiều tổ chức khác nhau, cụ thể: Em Ý Nhi, 20 tuổi, đến từ Hà Nội, được trao quyền Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Em Mỹ Hạnh, 20 tuổi, đến từ Nam Định, và Yến Nhi, 20 tuổi, đến từ Hà Giang, được trao quyền lãnh đạo cấp cao của công ty Astrazeneca Việt Nam.
Em Ngọc Tiên, 23 tuổi, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, được trao quyền Giám đốc điều hành của công ty truyền thông Vietcetera. Em Minh Anh, 14 tuổi, đến từ Hà Nội, được trao quyền Quản lý chương trình Hướng nghiệp và đào tạo nghề của tổ chức Plan International Việt Nam. Em Ngọc, 16 tuổi, đến từ Hà Nội, được trao quyền Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty DNV - một doanh nghiệp viễn thông lớn tại Na Uy.
Ý Nhi và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam |
Trên khắp cả nước, 15,381 em gái từ 70 xã trực tiếp tham gia chuỗi sự kiện Girls Takeover, trong đó 87 em gái đã được trao quyền ở nhiều vị trí lãnh đạo cấp địa phương khác nhau.
Bên cạnh trải nghiệm vị trí lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trao đổi với lãnh đạo các tổ chức, công ty về những thách thức và thành tựu mà các em đã cùng tổ chức Plan International Việt Nam đạt được trong một năm qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các em gái cũng đồng hành cùng tổ chức Plan International kêu gọi mọi người ký vào thư ngỏ kêu gọi thúc đẩy tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường không gian số an toàn và không có sự phân biệt.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ: “Cần nỗ lực hơn nữa để trẻ em gái và phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có thể tự tin tham gia thế giới 4.0 và nắm giữ các vị trí lãnh đạo”.
Plan International đã hợp tác với Viện nghiên cứu vì Tương lai Bền vững, Đại học Công nghệ Sydney (UTS-ISF) thực hiện nghiên cứu về hoạt động xã hội và khả năng lãnh đạo của trẻ em gái trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu dựa trên cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp để đưa ra đánh giá định tính về hoạt động xã hội của thanh thiếu niên trong khu vực. Chỉ số trẻ em gái lãnh đạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là chỉ số tổng hợp nhằm đo lường cơ hội phát triển và chứng tỏ năng lực lãnh đạo của trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ. Ba quốc gia xếp hạng cao nhất khu vực Châu Á là Singapore (0,784), Thái Lan (0,733) và Philippines (0,715), tất cả đều là thành viên của ASEAN. Ba quốc gia xếp hạng thấp nhất khu vực Châu Á là Pakistan (0,392), Afghanistan (0,405) và Brunei Darussalam (0,462), trong đó Pakistan và Afghanistan là thành viên của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC). Ba quốc gia xếp hạng cao nhất trong khu vực Thái Bình Dương là Úc (0,854), New Zealand (0,820) và Kiribati (0,643). Chỉ số của Úc và New Zealand cao hơn đáng kể so với quốc gia xếp hạng 3 và các quốc gia xếp sau đó, chủ yếu là do hai nước này đạt điểm cao trên tất cả các lĩnh vực. Ba quốc gia xếp hạng thấp nhất trong khu vực Thái Bình Dương là Papua New Guinea (0,436), Quần đảo Marshall (0,482) và Quần đảo Solomon (0,529). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại