Việc tiêm vắc-xin Covid-19 phải đảm bảo hiệu lực, an toàn tuyệt đối
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại Lễ tiếp nhận 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 “Made in Vietnam” COVIVAC (do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế-IVAC trực thuộc Bộ Y tế sản xuất) ngày 27-2.
Theo đó, đối với 117.000 liều vắc xin AstraZeneca, Bộ Y tế có bước đi thận, trọng, chắc chắn. "Vắc-xin được đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay các vắc-xin Covid-19 được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Vắc-xin của AstraZeneca được cấp phép tại 50 nước. Vắc-xin AstraZeneca được Việt Nam nhập về là một trong 2 vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ quan lớn nhất về mặt chuyên môn đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
"Hiệu lực, mức độ bảo vệ của vắc-xin này khá tốt, sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng là 100% các trường hợp được tiêm vắc-xin này được bảo vệ không tiến triển nặng hơn, tức là có thể có trường hợp mắc nhưng không nặng lên, không tử vong", Bộ trưởng cho biết.
Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với tất cả các đơn vị, triển khai chiến dịch tiêm ngừa trên quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay. Với khoảng 100 triệu liều được tiêm trong năm 2021 là một thách thức rất lớn. Bộ Y tế huy động tất cả các bộ ngành, để tăng độ bao phủ đối phó với nguy trước mắt của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu có mức độ bảo vệ 6 tháng đến 1 năm vì thời gian chưa đủ để theo dõi. Cộng thêm, virus biến đổi nhiều nên hiệu lực bảo vệ của vắc-xin chỉ trong thời gian nhất định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ tiếp nhận tài trợ để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVIVAC (ảnh: T.Minh) |
Vì vậy, ngành y tế xác định phải luôn chủ động về vắc-xin, coi vắc-xin là vấn đề an ninh sức khỏe mới đáp ứng được nhu cầu chống dịch. Một mặt thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, Bộ Y tế cũng đẩy nhanh việc tìm kiếm nguồn vắc-xin nhập khẩu để đáp ứng với nguy cơ trước mắt.
Bộ trưởng tin tưởng với những vắc-xin sản xuất trong nước, Việt Nam có thể chủ động được, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ cho đại dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, việc đơn vị sản xuất vắc-xin COVIVAC nhận được tài trợ cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm là một hoạt động ý nghĩa giúp thúc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng của loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 “Made in Vietnam”.
Từ đó, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đánh giá khoa học một cách đầy đủ, toàn diện để khẳng định tính khả thi của vắc-xin COVIVAC đạt hiệu quả, có tính an toàn và hiệu quả.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5-2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc-xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc-xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của vi-rút SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vắc-xin COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận. Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3-2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2021. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại