Việc theo dõi F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh thực hiện ra sao?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, công văn nêu rõ: Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế TP triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường họp F0, F1.
Về cách ly F1: Đối với trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá...) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7 thay vì ngày 14 như trước đây, nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Giao y tế địa phương theo dõi như trường họp F1 cách ly tại nhà nêu trên.
Về cách ly, điều trị F0: Đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virrus thấp (CT value >30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng: cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1; tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
Về tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0 và F1: Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị
Đối với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác điều phối, phối hợp giữa các nhân lực hỗ trợ từ Bộ Y tế và lực lượng địa phương hỗ trợ điều trị ngày 12-7 (ảnh K.P) |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hiện giờ một số nước trên thế giới đã triển khai cách ly tại nhà với F0 không có triệu chứng, khi cần có thông báo với cơ quan y tế để tổ chức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc khi có triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo F0 sau một thời gian tập trung vào Trung tâm Y tế có thể xuất viện và theo dõi tại nhà. Ở Việt Nam thực tiễn cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh các cơ sở sử dụng tầng 1 cho F0 không triệu chứng hiện giờ đã chuẩn bị nhưng “chúng tôi nghĩ có thể sẽ có khả năng quá tải trong thời gian tới. Cho nên chúng tôi ủng hộ phương án triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà của TP Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Các đối tượng được triển khai phải đúng và các điều kiện cách ly tại nhà đều phải rõ ràng, kỹ lưỡng, đảm bảo cách ly y tế cũng như sự liên hệ giữa người cách ly F0 với cơ quan chuyên môn về y tế trong tất cả thời gian 24/24g. Khi có trường hợp đã có triệu chứng phải đưa đến cơ sở y tế để quản lý một cách nhanh nhất.
Theo đó, có 2 đối tượng F0 cách ly tại nhà: thứ nhất là các F0 đang ở các cơ sở thu dung đã qua 10 ngày. “Chúng ta biết Covid với ca nặng thường trong tuần đầu tiên khi tải lượng virus tăng cao và khả năng xâm lấn vào các cơ quan hết sức nhanh và mạnh, sau 10 ngày khả năng biến chứng nặng giảm rất nhiều. Khi đối tượng này xét nghiệm tải lượng virus đã giảm, trên lý thuyết không còn khả năng lây nhiễm nữa, sẽ đưa về cách ly tại nhà”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phân tích.
Thứ 2 là nhân viên y tế khi bị nhiễm Covid-19. Với kinh nghiệm, trình độ, khả năng tự theo dõi sức khỏe thì Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cách ly tại nhà ngay từ khi mới phát hiện mắc Covid-19.
Việc theo dõi sức khỏe các F0 đảm bảo nguyên tắc giữ liên hệ giữa cơ sở y tế với các F0. Các cơ sở y tế phải thiết lập đường dây nóng luôn luôn hoạt động 24/24g. Tất cả trường hợp khi báo cáo triệu chứng đều phải được tiếp cận ngay với nhân viên y tế để sẵn sàng đưa đến cơ sở y tế phục vụ cho công tác chăm sóc điều trị người bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Tại công văn khẩn số 4534/SYT-NVY của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngày 13-7 về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế TP cũng nêu rõ việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1. Cụ thể, đối với việc cách ly F1 tại khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng. Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm đế xử lý theo quy định. Trường họp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư: nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung. TP bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng ngày. Tại khu vực nguy cơ cao: Áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27-6-2021 của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên. Các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn): Áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27-6-2021 của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thế xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại