Việc làm được ưu tiên khi hoạch định các gói chính sách kinh tế vĩ mô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là nội dung quan trọng được đưa ra trong Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và việc làm G20 về Covid-19 vừa diễn ra.
Tuyên bố nêu rõ, sự bùng phát và lây lan của coronavirus (COVID-19) là một thách thức toàn cầu chưa từng có. Là một phần bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của coronavirus, người lao động và gia đình của họ trên toàn cầu phải đối mặt với nhu cầu nhập viện, kiểm dịch, các biện pháp cách ly vật lý, hạn chế đi lại và di chuyển. Ngoài ra, do cả biện pháp y tế bắt buộc và tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế, người lao động đang phải đối mặt với rủi ro mất việc làm, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động và mất thu nhập.
Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và việc làm G20 về Covid-19 nhấn mạnh, sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ người lao động, đặc biệt là những người bị coi là dễ bị tổn thương và không được bảo trợ xã hội thích đáng, tránh bỏ họ lại phía sau.
Hội nghị Trực tuyến Bộ trưởng Lao động và việc làm đặc biệt G20 về Covid-19 đã được tổ chức. |
Theo đó, việc làm sẽ được dành ưu tiên khi hoạch định các gói chính sách kinh tế vĩ mô. Ngoài việc bảo vệ việc làm và thu nhập, sẽ đảm bảo các hệ thống bảo trợ xã hội đủ mạnh và có thể thích ứng để hỗ trợ đầy đủ cho tất cả người lao động có nhu cầu, bất kể tình trạng việc làm, tuổi tác hoặc giới tính của họ. Đồng thời tiếp tục đảm bảo cung cấp các biện pháp thích hợp để bảo vệ người lao động, đặc biệt là cho nhân viên y tế và những người làm việc trong các ngành dịch vụ thiết yếu khác phải đối mặt với rủi ro bởi Covid-19.
Các quốc gia sẽ tiếp tục tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp và người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để có thể duy trì việc làm và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầy thách thức này. Các biện pháp sẽ được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh quốc gia, có thể bao gồm hỗ trợ bằng tiền, giảm thuế, trợ cấp, cho vay và trợ cấp lương.
Ngoài ra, sẽ hướng dẫn và hỗ trợ người sử dụng lao động tiến hành các bước hiệu quả để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với hoạt động, nguồn lực, chuỗi cung ứng và đặc biệt là lực lượng lao động của họ. "Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu của chúng ta", Tuyên bố nêu rõ.
Trước đó, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và việc làm đặc biệt G20 về Covid-19 đã được tổ chức vào ngày 23-4-2020. Tham dự điểm cầu trực tuyến tại Việt Nam có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã bàn bạc và đưa ra các giải pháp, nỗ lực chung, trên tinh thần đoàn kết để giải quyết những ảnh hưởng đan xen về y tế, xã hội, kinh tế; bảo vệ việc làm và thu nhập của người dân. Phát biểu của đại diện lãnh đạo G20 tại Hội nghị nhấn mạnh, đại dịch đã trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng chưa từng có về thất nghiệp, mất việc làm. Lao động giản đơn, phi chính thức, phụ nữ, và cả thanh niên… đều bị ảnh hưởng lớn. Thách thức toàn cầu hiện nay là ổn định thị trường lao động, đồng thời phải thay đổi hệ thống bảo trợ xã hội, cũng như cần có các biện pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động đại dịch lên thị trường lao động và nền kinh tế.
Theo ông Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Covid-19 đã khiến giờ làm giảm mạnh. "200 triệu giờ làm là số giờ bị giảm trong quý II-2020 trên toàn cầu. Nghèo đói và bất bình đẳng đang gia tăng. Nạn đói đang trở lên trầm trọng hơn bất cứ gì chúng ta chứng kiến", ông Guy Ryder nói. Đồng thời cho biết, "các nước G20 thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo duy trì việc làm. Đây là những việc quan trọng để phục hồi bền vững. Các chính sách y tế, việc làm phải được phối hợp với nhau, đoàn kết toàn cầu phải được đảm bảo mới có thể vượt qua đại dịch”.
Cũng tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã ủng hộ việc đưa ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Covid-19. Tuyên bố nhấn mạnh, các Bộ trưởng Lao động và việc làm G20 sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với các Bộ trưởng G20 khác trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp toàn diện, hiệu quả để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với xã hội và thị trường lao động trong nước cũng như trên toàn cầu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại