Thứ sáu 08/11/2024 07:25
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Việc làm cabin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là không cần thiết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày qua mạng xã hội chia sẻ nhiều về hình ảnh “cabin xét nghiệm Covid-19” của Hàn Quốc. Theo đó, khi lắp đặt cabin này, nhân viên y tế không cần mặc đồ bảo hộ nóng bức mà chỉ cần đứng bên trong cabin có điều hòa, nước uống để thò tay ra ngoài lấy mẫu cho người dân. Nhiều người cho rằng Việt Nam nên áp dụng, lắp đặt cabin này để giảm áp lực nắng nóng cho nhân viên y tế.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: để làm được những cabin lấy mẫu rất lâu mà mùa nóng chỉ có hạn. Đặt trong hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng “việc làm cabin lấy mẫu không cần thiết” bởi cabin lấy mẫu nên làm ở trong cộng đồng. Còn ở những điểm trọng điểm, nếu cần phải lấy mẫu vào buổi trưa, những ngày nắng gắt thì đã có lều dã chiến.

Hiện ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã lên phương án khắc phục bằng cách lắp các lều dã diến của quân đội với diện tích 12m2, có 4 cửa sổ, bên trong đặt một cái máy lạnh. 4 nhân viên y tế lấy mẫu vẫn mặc đồ bảo hộ đứng thò tay ra ngoài lấy mẫu.

Đồng tình với quan điểm triển khai cabin lấy mẫu không phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, một chuyên gia lý giải, buồng lấy mẫu nếu thiết kế bình thường sẽ rất bí bách, nhiệt độ có thể tăng cao hơn ở ngoài trời-không giúp cho nhân viên lấy mẫu giảm sức nóng. Nếu gắn quạt trong buồng đó thì phải tính toán để không hút không khí vấy bẩn ở ngoài vào.

Còn nếu dùng điều hoà độc lập cho từng buồng thì phải tính toán vì thiết bị đi kèm rất phức tạp. Trong khi đó, một đoàn đi lấy mẫu ở địa bàn dân cư gồm khoảng 20-30 người. Họ mặc quần áo bảo hộ lên xe, đem theo rất nhiều thiết bị lấy mẫu đi kèm. Đến nơi, từng nhóm người gồm người nhập liệu, mã hoá code; chuẩn bị ống; và thực hiện lấy mẫu. Nếu đưa buồng lấy mẫu di động theo từng chuyến đi xuống địa bàn, nhân viên sẽ phải khuân vác, lắp đặt, khử khuẩn.

Chưa kể nếu lắp thiết bị điều hoà cho từng buồng cần phải mang theo máy phát điện cỡ lớn để đủ sức tải. Khi lấy mẫu xong, lại tiếp tục công đoạn khử khuẩn, tháo lắp buồng này. Do đó, “nếu cần chúng tôi sẽ triển khai lều dã chiến quân đội, hiện nay đã triển khai đổi giờ lấy mẫu”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Về ý kiến đưa ra rằng nên cho nhân viên y tế dùng khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề, không cần quần áo bảo hộ như trước. Ngoài ra, đối với những trường hợp lấy mẫu ngoài trời nên bố trí một chiếc quạt công nghiệp với tốc độ cao đặt phía sau nhân viên y tế để giúp nhân viên y tế không bị sốc nhiệt và phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm.

Việc làm cabin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là không cần thiết

Việc triển khai lắp đặt cabin lấy mẫu không phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay (ảnh tư liệu)

TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Dù mặc bộ đồ bảo hộ sẽ có những bất tiện nhất định nhưng tới thời điểm hiện nay chưa có một hướng dẫn nào trên thế giới đề cập tới vấn đề người lấy mẫu được mặc quần áo thông thường để lấy mẫu.

Hiện nay, biến chủng virus SAR-CoV-2 ngoài lây qua giọt bắn thì cũng đã được đề cập tới việc lây qua dạng khí dung nhất là trong điều kiện thông khí kém và lây qua bề mặt. Vì vậy, nếu không mặc đồ bảo hộ, virus có thể dính vào quần áo đang mặc hoặc bay vào mắt. Nguy cơ virus thâm nhập vào cơ thể luôn thường trực, do vậy nên cần phải có trang phục phòng hộ.

TS. Thái nêu ra giả thiết: Khi tiếp xúc với người có nguy cơ mắc Covid-19, chúng ta luôn phải tính tới các tình huống xấu có thể xảy ra. Ví dụ: khi ngoáy dịch mũi sẽ ít nhiều gây ra khó chịu khiến cho người được lấy mẫu có thể buồn nôn, hắt hơi… Nếu không có quần áo bảo hộ sẽ bị phơi nhiễm virus.

Thời điểm nhân viên y tế lấy mẫu rút que ra khỏi mũi, họng của người được lấy mẫu rất nguy hiểm. Que được đưa ra sẽ được cho vào ống nghiệm, bẻ que và đạy lắp lại… kết thúc quá trình đó mới an toàn. Nếu dùng quạt công nghiệp thổi, khi rút que ra khỏi mũi, họng, tốc độ gió mạnh có thể vảy giọt dịch dính ở que sang người khác.

Theo TS. Thái, có một số giải pháp giảm áp lực nắng nóng cho nhân viên lấy mẫu có thể áp dụng như: Không lấy mẫu vào thời điểm nắng nóng (lấy vào sáng sớm và buổi tối là phù hợp nhất); Điều chỉnh số người tại mỗi điểm lấy mẫu, duy trì mức 300 người cần lấy mẫu cho mỗi bàn lấy mẫu, chuẩn bị đủ nước bù điện giải (như Oresol);

Chuẩn bị sẵn khu vực sạch, các phương tiện xử trí, khi có cán bộ say nắng, shock nhiệt, người hỗ trợ và nạn nhân cần cởi bỏ bảo hộ đúng cách trước khi xử trí; Điểm lấy mẫu có thể làm mát bằng cách phun nước lên mái nhà để giảm nhiệt độ ở khu vực lấy mẫu.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động