Thứ năm 28/03/2024 20:31

Việc cập nhật, xử lý thông tin LLTP về án tích

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Yêu cầu cơ bản của dữ liệu LLTP là phải được lưu trữ trong trạng thái “động”, theo dõi suốt quá trình từ khi cá nhân bị kết án đến khi đã chấp hành xong bản án, được xóa án tích…
Xóa án tích là một chế định mà hầu hết pháp luật các nước đều có.
Xóa án tích là một chế định mà hầu hết pháp luật các nước đều có.

Cập nhật xử lý thông tin LLTP về án tích

Việc cập nhật, xử lý thông tin LLTP về án tích được quy định cụ thể từ Điều 27 đến Điều 35 tại Luật LLTP như sau:

Cập nhật thông tin trong trường hợp miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì thông tin này được cập nhật vào LLTP của người đó.

Trong trường hợp GĐ thẩm hoặc tái thẩm mà không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì nội dung của quyết định đó được vào LLTP của người bị kết án. Nếu hủy bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp LLTP chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định bị hủy thì LLTP được xóa bỏ trong cơ sở dữ liệu LLTP. Trường hợp này người bị kết án coi như không có án tích.

Cập nhật thông tin đối với những bản án tiếp theo. Trường hợp một người đã có LLTP, sau đó bị kết án bằng bản án khác thì thông tin của bản án tiếp theo được bổ sung vào LLTP của người đó.

Còn trường hợp chấp hành xong bản án, được đặc xá, đại xá thì cơ quan quản lý CSDL LLTP có nhiệm vụ cập nhật các thông tin đó vào LLTP của người bị kết án. Trường hợp người bị kết án được đặc xá thì LLTP của người đó được ghi vào là “đã chấp hành xong hình phạt tù theo quyết định đặc xá”; trường hợp được đại xá thì ghi “được miễn trách nhiệm hình sự theo quyết định đại xá”.

Cập nhật thông tin trong trường hợp trục xuất thì cơ quan quản lý CSDL LLTP có nhiệm vụ cập nhật thông tin đó vào LLTP của người bị kết án và ghi là “đã bị trục xuất”.

Trong trường hợp công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án. Trường hợp công dân Việt Nam được chuyển giao để chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam; có thông báo về quyết định miễn, giảm hình phạt, đặc xá, đại xá của nước chuyển giao đối với người đó hoặc có trích lục bản án hoặc trích lục án tích do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp thì cơ quan quản lý CSDL LLTP có nhiệm vụ cập nhật thông tin vào LLTP của người đó.

Xử lý thông tin LLTP khi một tội phạm được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật hình sự. Trường hợp người bị kết án về một tội nhưng tội phạm này được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật hình sự thì thông tin về tội đó được xóa bỏ trong LLTP của người đó.

Cập nhật xử lý thông tin LLTP người bị kết án được xoá án tích

Xóa án tích là một chế định mà hầu hết pháp luật các nước đều có. Nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất của chế định xóa án tích là ở chỗ: Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

Theo bà Đinh Thị Na, Phó Trưởng phòng LLTP, Sở Tư pháp TP Hà Nội, để bảo đảm quyền của người được xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, Luật LLTP quy định tại Điều 33, cơ quan quản lý CSDL LLTP có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin LLTP như sau:

Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích hoặc quyết định xóa án tích của Toà án thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó; Khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Sở Tư pháp ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó.

Quy định này nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý CSDL LLTP trong việc cập nhật thông tin về trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP và không thay thế thẩm quyền của Tòa án trong việc cấp giấy chứng nhận xoá án tích quy định tại Điều 270 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phiếu LLTP trong đó ghi “không có án tích” sẽ tạo điều kiện cho người bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, bớt mặc cảm và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy người đã được xóa án tích chỉ có thể tham gia vào các quan hệ xã hội như xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thăm thân nhân, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp… khi có Phiếu LLTP xác nhận nội dung “không có án tích”.

Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ trong việc cấp Phiếu LLTP, khoản 3 Điều 44 Luật LLTP quy định trong trường hợp cần thiết, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP và chịu trách nhiệm về nội dung Phiếu LLTP.

Như vậy, người được đương nhiên xóa án tích có thể yêu cầu Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc yêu cầu Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP, trong đó ghi “không có án tích”.

Bạch Dương – Duy Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động