Vì sao người Hà Nội thích đi ở nhà thuê?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột số người thuê chung cư mini để ở. Ảnh minh họa
"Thích" đi thuê
Có hẳn nhà tầng, diện tích rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, nhưng vẫn có những người sẵn sàng cho thuê nhà và chấp nhận cuộc sống trong những phòng trọ chật chội. Dẫu có thể nó chưa phải là hiện tượng phổ biến, song không còn là “hàng hiếm” trong xã hội hiện nay.
Chúng tôi tìm đến nhà trọ của vợ chồng chị Tuyết Nhung nằm sâu trong đường Trần Cung (Cổ Nhuế - Từ Liêm – Hà Nội) vào cuối giờ làm việc. Căn phòng chỉ rộng chừng hơn 30 m2, bao gồm khu vệ sinh khép kín là chỗ ở từ gần 1 năm nay của hai vợ chồng chị và cậu con trai hơn 1 tuổi.
Theo lời chị Nhung, tổng tiền thuê nhà, chi phí điện nước mỗi tháng dao động từ 2,5 triệu đồng – 3 triệu đồng.
Được biết, gia đình chị Nhung hiện sở hữu một căn nhà 3 tầng, có vườn, đường ô tô rộng rãi vào tận cửa nhà ở gần Phú Diễn (Từ Liêm). Điều đó càng khiến nhiều bạn bè tỏ ra khó hiểu, khi gia đình chị Nhung bỏ lại căn nhà để cho sinh viên thuê, rồi chấp nhận sống trong cảnh chật chội. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay cuộc sống của gia đình nhỏ này vẫn diễn ra bình thường, trong không gian khá hẹp ấy.
Trước việc đường thi công ì ạch, mưa lầy, nắng bụi mờ, vợ chồng chị quyết định thuê nhà gần chỗ làm, cho thuê lại nhà để không phải chịu cảnh “hít” bụi hàng ngày.
“Mỗi tháng cho thuê cả ngôi nhà 3 tầng, thu được gần 6 triệu đồng, sau khi chúng tôi trừ tiền phòng trọ, vẫn còn khoản lãi 3 triệu đồng. Tới đây, nếu cho doanh nghiệp thuê toàn bộ ngôi nhà đó, sẽ tăng giá lên đến 10 triệu đồng/tháng, tự nhiên lãi thêm gần 4 triệu đồng nữa là 7 triệu đồng” - chồng chị Nhung cho hay.
Tuy nhiên, vấn đề thu nhập không phải là mối bận tâm hàng đầu của anh chị. Nguyên nhân của việc đi thuê nhà trọ, là quá ngán ngẫm với cảnh đường quốc lộ 32 gập ghềnh, bụi bặm.
Chị Nhung cho biết thêm: “Từ khi đường 32 tiến hành làm, bụi mù mịt. Nhà tôi lại ở trong khu Phú Diễn, mỗi ngày 2 lần đi làm và về, bụi mù mịt trời đất. Đường lởm chởm ổ voi, ổ gà, quần áo mới thay cũng lấm lem vì bụi. Không thể lúc nào cũng ngồi nhà được, tôi và chồng còn đi làm, rồi đi chơi. Mà đường bụi như thế, không biết mỗi ngày phải mấy lần tắm giặt nữa”.
Trong thời kỳ giá cả tăng cao, chi tiêu khó khăn, kiếm tiền trở thành mối quan tâm của không ít người. Là một gia đình trẻ, con cái đang tuổi ăn học, anh Long (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng chuyển nhà trọ sang Gia Lâm được hơn 2 tháng nay vì lý do kinh tế.
Với thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 7 triệu đồng, trong khi rất nhiều khoản phải chi tiêu, anh Long chỉ còn cách cho một đơn vị may mặc nhỏ thuê nhà với giá gần 8 triệu đồng/tháng (chưa có chi phí điện nước).
Theo lời anh Long, ngoài việc có được nguồn tiền hỗ trợ chi tiêu, thì vợ chồng anh khi làm việc ở cơ quan tại Gia Lâm không phải canh cánh nỗi lo về việc phải đón con đúng giờ, hay đi làm về đến nhà có còn mua được thức ăn ngon nữa không? Thậm chí, cách làm này còn giúp tiết kiệm được khoản tiền xăng kha khá cho cả hai vợ chồng, khi gia đình anh chuyển con về học gần chỗ làm của bố mẹ.
Anh Long chia sẻ: “Xét về mặt kinh tế, mỗi tháng có 10 triệu đồng để trang trải. Tiền xăng mỗi tháng hết khoảng 200.000 đồng, chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Khoản thu nhập của tôi và vợ khá ít, nên nếu chỉ dựa lương mà sống thì không thể đủ được”.
Vấn đề nào cũng có hai mặt, nếu như gia đình anh Long được hưởng lợi từ ngôi nhà của mình thì cũng phải chịu không ít những điều phiền toái.
Nếu như trước đây, gia đình anh có hẳn 2 khu vệ sinh để thuận tiện cho cả nhà, thì nay chỉ có một khu vệ sinh khá chật chội. Đó chỉ là một trong vô số những vấn đề mà gia đình anh gặp phải, “phiền toái là thế, nhưng cũng phải cố qua thời gian này đã, hết khó khăn lại về nhà cũ, còn không thì cứ cho thuê, có thêm chút vốn cho gia đình”, anh Long nói thêm.
Một số khách hàng mua chung cư để xem là nơi đầu tư tiền nhàn rỗi
Mua chung cư cho thuê hơn gửi ngân hàng
Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều khu vực có giá bất động sản giảm, là cơ hội cho chính những người tiêu dùng đang có nhu cầu mua nhà. Nhiều người đã chớp thời cơ, để mua căn hộ chung cư có diện tích vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, sau khi đã có trong tay căn hộ như mong muốn, nó lại trở thành phương tiện kiếm tiền cho chủ nhân.
Chị M (Ba Đình – Hà Nội) đã chi một số tiền khá lớn để mua căn hộ với diện tích trên dưới 100m2, đây là niềm mong mỏi của chị cũng như chồng và con, gia đình hai bên, sau nhiều năm phải sống trong căn hộ tập thể chật chội, xuống cấp. Tuy nhiên, khi được bàn giao căn hộ chị đã lên kế hoạch chi tiết cho thuê để thu hồi một phần tiền và tạo thêm nguồn thu.
Chị M cho hay: “Căn hộ tập thể của gia đình tôi còn ở được một thời gian nữa. Trong khi, căn hộ mới khá rộng, nên cũng chưa vội ở ngay, như thế khá lãng phí. Trong khi, nhu cầu người thuê đang lớn".
Không giống như chị M, có một số người tiêu dùng có tiền nhàn rỗi đã chọn đầu tư vào bất động sản. Có tiền, muốn có một căn hộ chung cư không phải để ở mà chỉ là hình thức giữ tiền mặt đó là cách suy nghĩ của đối tượng khách hàng này. Bởi, chính họ không muốn nắm giữ số tài sản đó lâu dài, luôn hướng đến quay vòng vốn sang kênh khác theo mong muốn của bản thân.
Anh Thanh Duy (Mỹ Đình - Hà Nội) vừa được bàn giao căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng. Đây là căn hộ anh đã đóng tiền để mua từ năm 2009. Số tiền 2 tỷ đồng là vốn anh thu được sau hơn 1 năm đầu tư chứng khoán, thời điểm thị trường không ảm đạm như hiện nay.
Khi rút tiền từ thị trường chứng khoán trong khi chờ đầu tư các danh mục khác anh không muốn gửi ngân hàng vì lãi thấp mà mua căn hộ để cho thuê trong một thời gian ngắn nhằm tiếp tục cho vốn sinh lời và lựa chọn thời điểm thích hợp để bán đi, nhằm thu hồi cả vốn lẫn lãi cao.
Anh Duy cho rằng: “Thời điểm này khó bán vì ít người mua. Trong khi nhu cầu thuê nhà đang cao, nên tôi vẫn giữ lại để cho thuê. Còn khi thị trường “ấm” trở lại, tôi sẽ xem xét bán để tiếp tục quay vòng, sang đầu tư phân khúc bất động sản khác”.
Theo VTCnews
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại