Vì sao nên giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPGS.TS Đinh Dũng Sỹ - chuyên gia pháp luật cho rằng, xung quanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có một số vấn đề cần trao đổi. Ảnh: M.Minh |
Đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới? Khả thi đến đâu? Nếu không thì chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống.
Làm thế nào để các đối tượng mở rộng tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ?
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội Khóa XV. Dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - chuyên gia pháp luật, để tránh những cách hiểu không đúng đề nghị gộp Điều 28 với Điều 27 và viết lại như sau: “Điều 27. Đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
1. Công dân Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đủ 75 tuổi trở lên;
b) Không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.
2. Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ”.
Nhiều chuyên gia thể hiện đồng tình với việc bổ sung hình thức trợ cấp hưu trí xã hội vào Luật này. Vì chế độ trợ cấp này cũng chính là một loại hình của an sinh xã hội, nên đưa vào Luật này để thống nhất và kết nối các chính sách.
Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn là dự thảo Luật đã thiết kế các quy định nhằm liên kết, hỗ trợ, linh hoạt giữa các chính sách BHXH, đem lại an sinh lớn hơn cho người dân. Cụ thể, dự thảo luật đã đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi (theo Luật Người cao tuổi hiện hành) xuống 75 tuổi.
Theo tính toán của cơ quan trình Luật, nếu theo phương án giảm xuống 75 tuổi thì dự kiến sẽ có thêm 1,1 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội, trong đó 800.000 người do hạ tuổi và 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH bắt buộc.
Đề xuất này sẽ tăng diện được hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách không phát sinh thêm nhiều, bởi trợ cấp hưu trí xã hội do BHXH chi trả.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định: nếu người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ số tiền họ đã đóng BHXH. Mức trợ cấp hằng tháng của nhóm này tùy thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, những người này cũng được bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả. Đây là những nội dung bổ sung rất quan trọng, tăng giá trị an sinh cho người dân từ chế độ BHXH; đồng thời hạn chế phần nào việc rút BHXH một lần.
Xung quanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có hai vấn đề cần trao đổi: Thứ nhất, đó là tính khả thi của các quy định này. Làm thế nào để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ (theo thống kê có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, 270.346 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể 3 loại đối tượng khác chưa thống kê được).
Đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới? Khả thi đến đâu? Nếu không thì chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống.
Thứ hai, từ câu chuyện thứ nhất chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Chính sách nào thì cần suy nghĩ, thiết kế phù hợp để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc. Thậm chí họ vui vẻ tham gia như một sự tự nguyện chứ không phải là bắt buộc.
Ngoài ra, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Chúng tôi đồng tình với quy định này như lập luận của cơ quan trình Luật.
Đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm
Về giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho hay, nhiều người ủng hộ đề xuất sửa đổi nói trên và coi đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cũng đặt ra một câu hỏi là, tại sao chúng ta không hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa? có thể là 10 năm hoặc thấp hơn nữa theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Cơ chế này không chỉ nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ một điều là tham gia BHXH không bao giờ là muộn.
Về rút BHXH một lần, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề xuất cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Ảnh: Khánh Huy |
Ngoài ra, cơ chế này còn hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, một mũi tên trúng hai đích, chúng ta nên làm!
Vì thế, đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm và thiết kế các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng cũng đã cho định hướng này. Trường hợp các nhà kinh tế tính toán chưa thể hạ xuống 10 năm ở thời điểm hiện nay thì Luật nên giao cho Chính phủ quy định vấn đề này khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.
Về rút BHXH một lần, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề xuất cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như dự kiến của dự thảo Luật (Điều 77 khoản 6 quy định: Người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động).
Đồng thời cho phép tái tục BHXH khi người lao động muốn quay lại đóng tiếp BHXH sau thời gian ngưng đóng. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung. Tức là về nội dung chính sách như dự thảo Luật nhưng không nên chia thành hai diện đối tượng, gây bất bình đẳng và sự phức tạp của chính sách, làm tăng chi phí tuân thủ.
Vấn đề rút BHXH một lần: Những phương án giải quyết nào được trình Quốc hội? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại