Vì dân - tư tưởng còn nguyên tính thời sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2-3-1946. Ảnh tư liệu |
Niềm tin lớn lao trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên
Ôn lại những câu chuyện về Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để càng thấy rõ hơn một trong những tư tưởng vĩ đại, tính thực tiễn sâu sắc của Người chính là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền để tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thực hiện bình đẳng, đoàn kết, để Nhân dân được hưởng dụng quyền dân chủ của mình, đó chính là cách Bác Hồ vận dụng để lãnh đạo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định việc thực hiện phổ thông đầu phiếu là chính sách rất cơ bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bầu cử chính là thực thi dân chủ và khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Do đó, cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là lần đầu tiên, người dân Việt Nam thực thi chế độ dân chủ, phát huy quyền làm chủ của mình. Qua đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng một Nhà nước vững mạnh, đó là Nhà nước thực sự phục vụ Nhân dân chứ không phải là Nhà nước cai trị dân.
Từ chủ trương ban đầu được Chính phủ lâm thời chấp thuận, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 quyết định Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 17-10, ký Sắc lệnh số 51 về quy định thể lệ bầu cử, ấn định ngày Tổng tuyển cử… Không chỉ thể hiện quan điểm, tư tưởng về một chế độ bầu cử tự do, dân chủ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra tiêu chuẩn của người ĐB Quốc hội: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Những người trúng cử phải ra sức để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào”.
Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bầu cử cách đây hơn 75 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa. Nhiều nhà sử học của Việt Nam cho rằng, khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng, tạo cơ hội cho nhiều người ứng cử và tranh cử quyết liệt để chọn ra nhân tài giúp nước. Bởi thời đó, có nhiều người rất ngại tham gia ứng cử nhưng được sự khích lệ của Bác Hồ và trong không khí dân chủ mới, đã mạnh dạn ra tranh cử.
Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5-1-1946 (trước ngày bầu cử 1 ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6-1-1946 có đăng bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những ĐB xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta”.
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, Lời kêu gọi của Bác “toàn dân đi bỏ phiếu ngày 5-1-1946”, tuy ngắn gọn nhưng đã nêu lên được mấy ý rất quan trọng. Thứ nhất, bầu cử là để thực thi chế độ dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Thứ hai, bầu cử là chính thể cộng hòa dân chủ, một Nhà nước dân chủ thì tất cả mọi người dân đều có quyền ứng cử và tham gia bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam mới và những người tham gia bầu cử thì phải mang hết tinh thần, trách nhiệm của mình để xây dựng Nhà nước, xây dựng Quốc hội. Bác nói, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những ĐB của mình.
Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thực sự là ngày hội lớn của dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Nhân dân được đi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, cử tri cả nước nô nức chuẩn bị đi bầu cử ĐB Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Kết quả Tổng tuyển cử, cử tri cả nước đã bầu được 333 ĐB vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử 98,4% số phiếu bầu, một bằng chứng hùng hồn về uy tín của Hồ Chí Minh trong các tầng lớp Nhân dân.
Đề cao tư tưởng dân là gốc
Theo các nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định. Vì thế, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh. Đây là tư tưởng lớn, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngày nay chúng ta đang tiếp tục học tập và làm theo để xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ Nhân dân.
Hơn 75 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã trôi qua, nước ta đang tiến hành cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV. Như GS Hoàng Chí Bảo - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tư tưởng dân là gốc của nước, dân là chủ, mọi việc quan trọng nhất của quốc gia mà Quốc hội điều hành phải đưa ra cho toàn dân phán quyết, lấy ý kiến của dân. ĐB Quốc hội là ĐB của dân thì phải thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, đề nghị của dân để đưa ra cho Quốc hội thảo luận, phục vụ tốt nhất mong mỏi của Nhân dân. Đây chính là tư tưởng “trọng dân, trọng pháp” của một nhà quản lý xuất sắc.
Như các tư liệu lịch sử đã ghi lại, phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng Quốc hội phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước Nhân dân. Và để làm được điều đó: "Quốc hội phải có những ĐB thật xứng đáng, những ĐB một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Trong quá trình đó một mặt phải phát huy vai trò đại diện của ĐB Quốc hội nhưng mặt khác người dân phải phát huy quyền của mình.
Ít ngày nữa, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Những tư tưởng, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó luôn đề cao sự dân chủ, bình đẳng và quyền lợi Nhân dân đến nay vẫn còn tươi mới. Và ngày 23-5-2021, mỗi cử tri được “tự do lựa chọn và bầu ra người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước” như lời dạy của Bác năm xưa, đó là việc làm thiết thực nhất để xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Bác Hồ có tố chất của lãnh tụ nhưng điều đặc biệt là Bác Hồ có tố chất của dân. Đây là điều không phải lãnh tụ nào cũng có được. Bác không bao giờ hành xử như một người có quyền. Người nói và nêu gương trong công việc như một người chiến sĩ vâng lệnh của quốc dân ra mặt trận. Người là hình ảnh sống của một lãnh tụ của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, sống giữa lòng dân, vì Nhân dân phục vụ. Bác thấu hiểu và thấu cảm người dân, vui buồn của người dân. Từ đó, Bác có nhận xét tinh tế, hiểu rất sâu về dân, bởi thế tư tưởng của Bác về xây dựng Nhà nước pháp quyền do dân, vì dân luôn mang tính thời sự. PGS.TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại