Thứ hai 20/05/2024 16:01

Vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Nhận xét về vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Cho đến nay mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp dưới 50%. Ước tính vẫn còn khoảng 5 triệu người dân còn đi tiêu bừa bãi.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, tình trạng sử dụng cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch, bệnh. Vệ sinh kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật và cải thiện chiều cao của trẻ em, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng Thế giới đưa ra thống kê, vệ sinh kém đã làm nước ta mất khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.

Đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn sẽ khiến người dân tránh được những bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và nước sạch là một trong những ưu tiên trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hóa, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi. Việc lưu hành các bệnh, dịch này một phần là do chưa làm tốt công tác quản lý phân người, cụ thể là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt đi tiêu bừa bãi, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi. Vì vậy, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được Chính phủ quan tâm và dành ưu tiên và cũng được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng của mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đến năm 2015 và mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030-trong đó mục tiêu số 6 là mục tiêu bền vững về vệ sinh và nước sạch. Chính phủ Việt Nam mới đây cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi, đến năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Để thực hiện các mục tiêu về vệ sinh phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã triển khai nhiều chiến lược và các chương trình mục tiêu quốc gia như chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, chiến lược quốc gia về y tế dự phòng, chiến lược và các chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm cải thiện các điều kiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Gần đây, tiêu chí vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình và trạm y tế đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Từ những nguồn lực đầu tư của Chính phủ và các nhà tài trợ, trong đó có nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn quốc đã tăng từ 53% năm 2010 lên 65% năm 2015. Các hoạt động truyền thông của chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và vận động người dân thay đổi hành vi giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều dịch bệnh đã được thanh toán hoặc giảm hẳn như bệnh đậu mùa, dịch tả, tiêu chảy, lỵ, thương hàn, mắt hột, giun sán.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước và xu hướng đô thị hóa, toàn cầu hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề còn phải quan tâm giải quyết. Nhiều dịch bệnh mới phát sinh trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, một số dịch bệnh cũ đang có xu hướng bùng phát trở lại.

Các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, các đơn vị trong ngành y tế, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh. Đưa chỉ tiêu nhà tiêu hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác vệ sinh nông thôn, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi-Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động