Ưu tiên phát triển môn bơi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCùng với đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
Quá trình thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Luật trước đó, có ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường. Đề xuất này xuất phát từ thực tế, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Mỗi năm, cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị “hà bá”, “thủy thần” cướp đi.
Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng các trường đều chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi, việc đưa học sinh ra trường học đến bể bơi sẽ làm tốn kém về thời gian và phát sinh kinh phí làm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.
Đồng tình, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thông tin: Để bảo đảm chính sách có thể đưa vào luật và phù hợp với thực tiễn thì cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiến hành khảo sát, làm việc trực tiếp với một số trường ở các địa phương như là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Qua khảo sát, ý kiến của các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh hầu như đề xuất là chưa nên quy định việc coi bơi là môn học bắt buộc trong nhà trường, rất nhiều vấn đề, lý do đặt ra, ví dụ như là về ngân sách để giải quyết các chính sách này rất lớn. Mặt khác quỹ đất của các trường cũng không thể bảo đảm. Đội ngũ giáo viên dạy bơi không thể đáp ứng và đặc biệt nếu tính sang hình thức xã hội hóa thì vấn đề kinh phí cho việc hoàn thiện một môn học bắt buộc đối với học sinh, phụ huynh như thế nào thì cũng là một vấn đề mà các phụ huynh rất quan tâm.
Luật quy địnhtrách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi. Ảnh minh họa |
Về thực trạng đuối nước, nhiều đại biểu cho rằng, có thể bổ sung một khoản khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ kinh phí đối với các trường hiện tại có mở rộng và có bổ sung các hạng mục liên quan đến giảng dạy môn bơi. Đối với những trường nằm trong quy hoạch để xây mới, đề nghị bắt buộc có định hướng việc bổ sung các nội dung liên quan tới cơ sở vật chất và con người đối với môn bơi. Đặc biệt phải có sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội chứ không thể quy trách nhiệm riêng cho nhà trường.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả. Thực tế hiện nay cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi).
Mặt khác, hiện nay, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05-2-2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Dự thảo được xây dựng theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 21, khoản 6 Điều 22). “Quy định này không những phát huy vai trò của Nhà nước, huy động nguồn lực của toàn xã hội đối với việc phát triển môn bơi mà còn nâng cao trách nhiệm của nhà trường, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước” – Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại